Thăm châu Á và chiến lược của Tổng thống Donald Trump

03/11/2017 17:34 GMT+7

Chuyến công du châu Á dài ngày lần này là một phần trong “khung chiến lược” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi từ khi nhậm chức đến nay.

Theo thông báo của Nhà Trắng, chuyến thăm châu Á của Tổng thống Trump từ ngày 3 đến 14.11 sắp tới là chuyến công du thứ hai của ông ra nước ngoài.
Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế đang bị cho là có dấu hiệu giảm điểm và các đồng minh chủ lực ở các khu vực khác đang từng bước đa dạng hoá mối quan hệ của mình. Tuy nhiên, sự quyết đoán của Tổng thống Trump cho thấy những xu hướng này dường như đều nằm trong chiến lược của ông và trên thực tế vẫn mang về lợi ích cho nước Mỹ.
Cụ thể, khi đến Nhật Bản và Hàn Quốc, Tổng thống Trump sẽ gặp gỡ Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Moon Jae-in. Ngoài việc khẳng định sự quan tâm và cam kết của Washington đến hai đồng minh chiến lược ở Đông Bắc Á, chủ nhân Nhà Trắng còn gửi đi thông điệp cứng rắn hơn đến CHDCND Triều Tiên. Bên cạnh đó, ông và nhóm trợ lý sẽ tiếp tục với đàm phán về thương mại song phương Mỹ - Nhật và Mỹ - Hàn. Tuy vậy, nội dung chính vẫn là vấn đề khủng hoảng an ninh trên bán đảo Triều Tiên.
Nước thứ ba trong chuyến viếng thăm lần này là Trung Quốc. Nội dung bàn luận chính ở Bắc Kinh cũng sẽ xoay quanh vấn đề Triều Tiên và quan hệ thương mại song phương ngay sau Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc với nhiều bước ngoặt.
Đến Việt Nam, Tổng thống Trump tham dự APEC và sẽ có bài phát biểu được cho là thể hiện quan điểm về chiến lược mới của Washington tại châu Á – Thái Bình Dương, nhấn mạnh đến việc xây dựng và bảo vệ một khu vực mở và tự do.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng sẽ gặp chính thức Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội. Chương trình nghị sự song phương chắc hẳn vẫn là tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước và tiếp tục bàn những nội dung hợp tác đã được đề cập từ thời Tổng thống Barack Obama.
Tổng thống Trump sẽ kết thúc chuyến công du châu Á tại điểm dừng Philippines, một đồng minh chiến lược của Mỹ ở Đông Nam Á. Ngoài việc gặp gỡ Tổng thống Rodrigo Duterte, ông còn tham dự cuộc họp thượng đỉnh ASEAN (dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và Philippines hiện là Chủ tịch). Nội dung bàn luận với Philippines được cho là về hợp tác chống khủng bố với sự hỗ trợ của Mỹ.
Chuyến công du châu Á lần này của Tổng thống Trump cũng là dịp để tỏ rõ quan điểm và thái độ không chỉ về vấn đề Triều Tiên hay chính sách thương mại, mà cả vấn đề Biển Đông; qua đó xác lập vị thế và vai trò của Mỹ hiện tại và trong tương lai ở khu vực này.
Quan sát thực tế mọi động thái từ khi bước vào Nhà trắng đều cho thấy Tổng thống Trump đang từng bước thu gọn ảnh hưởng chính trị quốc tế ở cấp độ đa phương để đánh đổi những lợi ích trong quan hệ thương mại song phương. Đây là một bước đi táo bạo nhưng cùng một lúc sẽ giúp Mỹ đạt được hai mục tiêu: một là thắt chặt chi tiêu chính phủ về đối ngoại; và hai là tăng cường nguồn thu qua các hợp đồng buôn bán các mặt hàng chủ lực của Mỹ như vũ khí, dầu khí, dệt may, công nghệ cao…
Trong quan hệ kinh tế quốc tế, Tổng thống Trump đang làm mọi cách để có thể tạo ra dòng chảy hàng hoá – tiền tệ theo hướng có lợi cho Mỹ, chứ không vì bảo vệ lợi ích chính trị cho bất kỳ bên nào. Từ góc độ này có thể thấy mặc dù không thành công ở hai điểm nóng Ukraine và Syria trên mặt trận cạnh tranh ảnh hưởng với Nga, nhưng với điểm nóng Trung Đông và sắp tới là chuyến thăm tiệm cận điểm nóng Triều Tiên, Tổng thống Trump đặt nhiều quyết tâm vào một “khung chiến lược” với những mục tiêu có thể dự báo trước.
Các mục tiêu này bao gồm các hợp đồng xuất khẩu mặt hàng chủ lực của Mỹ; định hình các cơ chế hợp tác mới và xét lại các quan hệ thương mại theo chiều hướng có lợi hơn cho nước này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.