Hàng dài người đứng chờ bên ngoài một cửa hàng ở Hồng Kông, chờ đợi hơn 3 giờ mới đến lượt mình vào mua khẩu trang y tế với hy vọng có thể giúp họ phòng chống vi rút, theo Đài CNN hôm 30.1.
Những người này vẫn được xem là may mắn vì cuối cùng cũng mua được hàng. Ở các nơi bán khác, đối mặt họ là tấm giấy viết dòng chữ: “Không còn khẩu trang”.
Cay đắng hơn, nhiều người đứng xếp hàng bên ngoài hiệu thuốc ở quận Cửu Long và chờ đến tận 7 giờ sau mới biết hàng đã hết.
|
Trung Quốc hôm 30.1 chứng kiến 38 ca tử vong vì vi rút gây viêm phổi Vũ Hán trong vòng 24 giờ, đánh dấu ngày chết chóc nhất kể từ khi dịch bùng phát vào cuối năm ngoái và lan khắp toàn cầu.
Tính đến sáng cùng ngày, số người tử vong vì viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc tăng lên 170 người và số ca nhiễm nhảy vọt lên 7.771 , theo AFP dẫn thông tin từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC).
Giới hữu trách cũng đang theo dõi tình trạng của 81.000 người khác bị nghi nhiễm.
Cơ chế lây lan được xác định thông qua dịch mũi, họng khi người mắc bệnh ho, nhảy mũi. Và các cơ quan y tế khuyến nghị biện pháp phòng hộ là mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên…
“Chúng tôi đã cố gắng hết sức”
Đứng trước nhu cầu to lớn, các nhà sản xuất buộc phải đẩy mạnh dây chuyền sản xuất, với một số nhà máy vận hành suốt 24 giờ mỗi ngày.
|
“Chúng tôi đang cân nhắc tăng lên 2-3 ca để đáp ứng sức cầu, nhưng năng lực sản xuất có hạn, chúng tôi đã cố gắng hết sức”, theo Reuters dẫn lời một quản lý của Kukje Pharma Co (Hàn Quốc).
Công ty đã tiếp nhận vô số đơn hàng với tổng số lượng “hàng chục triệu khẩu trang” từ ngày 24.1.
Tại Trung Quốc, CMmask, chiếm 30% thị phần khẩu trang trên toàn quốc, mỗi ngày đang nhận đặt hàng 5 triệu khẩu trang, cao gấp hơn 10 lần mức bình thường.
Phó tổng giám đốc Hu Qinghui của CMmask thú nhận kho hàng tồn hơn 10 triệu cái khẩu trang đã hết sạch từ tuần trước.
Nhu cầu tăng… 57.000%
Trong lúc đó, công ty Pardam của CH Czech nhận được số đơn đặt hàng từ châu Á và châu Âu tăng vọt.
|
“Chúng tôi đã bán hết sạch những gì mình có. Giờ đây chúng tôi đang nỗ lực hết sức để gia tăng sản lượng”, chuyên gia R&D Jana Ruzickova cho biết.
“Nhu cầu tăng đến 57.000% trong 4 ngày qua. Đây là con số vô phương đáp ứng, kể cả công ty quy mô đến mấy”, theo bà Jana Ruzickova.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, Erol Memis của hãng khẩu trang Era gần Istanbul cho hay công ty làm việc không ngừng kể từ khi nhận đơn hàng đầu tiên từ Trung Quốc hôm 30.1. Era cũng tiếp nhận các yêu cầu từ Thụy Sĩ, Pháp, Bỉ, Georgia, Armenia và Ai Cập.
Trong bối cảnh khan hiếm, giới hữu trách tìm cách ngăn chặn tình trạng làm giá và nạn khẩu trang giả.
Đài Loan cấm xuất khẩu khẩu trang y tế trong vòng 1 tháng, trong khi chuỗi siêu thị lớn nhất của Singapore NTUC Fairprice giới hạn số khẩu trang cho mỗi lần mua.
Tại Bắc Kinh, một hiệu thuốc đã bị phạt 3 triệu nhân dân tệ (hơn 10 tỉ đồng) vì nâng giá bán khẩu trang lên gấp 6 lần.
Bình luận (0)