Số người chết vì vi rút corona mới, thuộc nhóm vi rút gây ra bệnh SARS và cúm Trung Đông MERS, vào ngày 25.1 đã lên 41 trường hợp, hơn 1.300 người nhiễm bệnh và trong vòng 24 giờ qua, đã có Nepal, Pháp, Úc, Malaysia lần lượt xác nhận ca nhiễm đầu tiên.
Trong lúc vi rút corona phát tán và chưa có dấu hiệu có thể kiểm soát hiệu quả, báo Daily Mail nhắc lại một chuyên gia về an ninh sinh học của Mỹ, ông Tim Trevan vào năm 2017 đã cảnh báo trên chuyên san Nature về nguy cơ vi rút phát tán khỏi phòng thí nghiệm được khai trương cùng năm tại Vũ Hán.
Gần 3 năm trước, Trung Quốc đã xây dựng và lắp đặt phòng thí nghiệm đầu tiên thuộc hệ thống gồm 7 phòng thí nghiệm sinh học ở Vũ Hán, với mục tiêu nghiên cứu những chủng vi rút nguy hiểm nhất thế giới, bao gồm vi rút gây bệnh Ebola và SARS.
Theo bài viết trên Nature, vi rút SARS không ít lần “xổng chuồng” khỏi phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh.
Trong khi đó, Phòng thí nghiệm An ninh sinh học quốc gia Vũ Hán nằm cách ổ dịch là Chợ Hải sản Hoa Nam khoảng 36 km, và một số người thắc mắc không hiểu hai địa điểm này có liên quan với nhau hay không trong vụ bùng nổ dịch viêm phổi.
Hiện cộng đồng khoa học cho rằng dòng vi rút mới đã đột biến và truyền sang những người có mặt tại chợ hải sản trước thời điểm tết Tây.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, chưa có lý do chính đáng để nghi ngờ phòng thí nghiệm Vũ Hán có dính líu đến đợt bùng phát chứng viêm phổi lạ, theo báo Daily Mail dẫn lời nhà vi trùng học – tiến sĩ Richard Ebright của Đại học Rutgers (Mỹ).
Tính đến ngày 25.1, Trung Quốc đã ban hành lệnh giới hạn đi lại xung quanh ổ dịch Vũ Hán, gây ảnh hưởng cho khoảng 56 triệu người.
Tổng cộng có 18 thành phố Trung Quốc hiện áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn vi rút corona lan rộng, bao gồm phong tỏa các mối nối giao thông công cộng, chặn luồng xe từ hướng thành phố ra các ngõ cao tốc.
Bình luận (0)