Toàn cảnh vụ Đoàn Thị Hương trước ngày tuyên án

Khánh An
Khánh An
15/08/2018 20:15 GMT+7

Sau hơn một năm kể từ khi bắt đầu xét xử vụ án, luật sư biện hộ vẫn khẳng định các bị cáo vô tội và có thể được trắng án.

Tòa án Malaysia ngày 16.8 sẽ tuyên án vụ ám sát công dân CHDCND Triều Tiên Kim Chol tại sân bay Kuala Lumpur vào năm ngoái. Nạn nhân được cho là ông Kim Jong-nam, anh trai của lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, tuy nhiên Bình Nhưỡng không xác nhận thông tin này.
Đến nay, cả 2 bị cáo Đoàn Thị Hương (30 tuổi) và Siti Aisyah (26 tuổi) đều bác bỏ cáo buộc ám sát, trong khi luật sư biện hộ chỉ trích cơ quan công tố buộc tội thiếu các chứng cứ cần thiết. Dưới đây là các diễn biến chính liên quan đến vụ việc.
[VIDEO] Nhìn lại vụ 'sát hại Kim Chol' trước ngày tòa tuyên án
Ngày 13.2.2017: Tại ga đi của sân bay quốc tế Kuala Lumpur 2 (Malaysia), hai nữ nghi phạm bị cho là đã xịt chất lỏng hoặc áp khăn tẩm độc vào mặt ông Kim Chol (46 tuổi) rồi nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Nạn nhân tử vong trên đường được đưa đến bệnh viện.
Ngày 14.2.2017: Truyền thông Hàn Quốc bắt đầu loan tin về vụ việc, cho rằng ông Kim Jong-nam bị sát hại. Trong khi đó, Malaysia chỉ xác nhận có một người đàn ông Triều Tiên mang hộ chiếu tên Kim Chol tử vong.
Ngày 15.2.2017: Hàn Quốc xác nhận người bị sát hại chính là ông Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Cảnh sát Malaysia bắt giữ một phụ nữ châu Á 29 tuổi bị tình nghi đã sát hại ông Kim Jong-nam. Cuộc khám nghiệm tử thi nạn nhân được tiến hành tại bệnh viện đa khoa Kuala Lumpur. Triều Tiên đã phản đối Malaysia khám nghiệm tử thi và yêu cầu trao trả thi thể nạn nhân ngay lập tức, nhưng phía Malaysia từ chối.
Ông Kim Jong-nam (phải) tại Nhật hồi năm 2001 Reuters
Ngày 16.2.2017: Phó thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi xác nhận người đàn ông Triều Tiên bị sát hại tại sân bay chính là ông Kim Jong-nam. Cảnh sát bắt giữ nữ nghi phạm thứ hai là người Indonesia tên Siti Aisyah (25 tuổi). Bạn trai của Aisyah là công dân người Malaysia tên Muhammad Farid Jalaluddin cũng bị bắt để hỗ trợ điều tra.
Ngày 17.2.2017: Chính quyền Malaysia tuyên bố sẽ không trao trả thi thể nạn nhân cho đến khi người thân nạn nhân cung cấp mẫu ADN. Đại sứ Triều Tiên tại Malaysia Kang Chol chỉ trích Malaysia tiến hành khám nghiệm tử thi khi không được sự đồng ý và chứng kiến của Triều Tiên, khẳng định không công nhận kết quả khám nghiệm tử thi.
Ngày 18.2.2017: Cảnh sát Malaysia cho hay đã bắt giữ một nghi phạm người Triều Tiên tên Ri Jong-chol (47 tuổi). Theo giấy tờ, Ri Jong-chol làm trong ngành công nghệ thông tin, tuy nhiên truyền thông Malaysia mô tả người này là một chuyên gia hóa chất.
Ngày 19.2.2017: Phó tổng thanh tra cảnh sát Malaysia, ông Noor Rashid Ibrahim xác nhận có 4 nghi phạm Triều Tiên đã rời khỏi Malaysia cùng ngày xảy ra vụ sát hại. Cảnh sát Malaysia ra thời hạn 2 tuần để người thân gia đình đến nhận dạng thi thể nạn nhân.
Một đoạn phim được cho là từ camera an ninh quay lại diễn biến vụ sát hại Kim Chol xuất hiện trên một kênh truyền hình của Nhật Bản và nhanh chóng lan truyền trên mạng.
Ngày 20.2.2017: Bộ Ngoại giao Malaysia triệu tập Đại sứ Triều Tiên Kang Chol để làm rõ những cáo buộc liên quan vụ người được cho là ông Kim Jong-nam bị sát hại. Đại sứ Kang Chol cùng ngày tuyên bố không tin kết quả điều tra của cảnh sát Malaysia và đòi gặp các nữ nghi phạm đã bị bắt giữ để đối chất. Bộ trưởng Y tế Malaysia Subramaniam Sathasivam cho biết kết quả khám nghiệm tử thi có thể được công bố sớm nhất là vào ngày 22.2.2017.
Ngày 22.2.2017: Tổng thanh tra Cảnh sát Hoàng gia Malaysia Khalid Abu Bakar cho rằng 2 nữ nghi phạm đã được huấn luyện để bôi chất độc lên tay và sau đó bôi lên mặt nạn nhân. Cùng ngày, Đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur kêu gọi trả tự do cho “2 phụ nữ vô tội”, đồng thời cho rằng họ không thể sống sót nếu bôi chất độc lên tay như cáo buộc của cảnh sát.
Ngày 24.2.2017: Cảnh sát Malaysia thông báo phân tích ban đầu cho thấy chất độc thần kinh VX đã được phát hiện trong mắt và trên mặt nạn nhân.
Ngày 25.2.2017: Phó Đại sứ Indonesia Andriano Erwin cho hay Siti Aisyah được trả 90 USD để tham gia trò chơi khăm trong chương trình truyền hình thực tế. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho rằng Đoàn Thị Hương nghĩ đó là trò chơi khăm.
Ngày 28.2.2017: Phái đoàn cấp cao của Triều Tiên do cựu Đại sứ Ri Tong-il của nước này tại Liên Hiệp Quốc đến Malaysia và yêu cầu nhận thi thể nạn nhân cũng như phóng thích công dân Triều Tiên.
Ngày 1.3.2017: Hai nữ nghi phạm chính thức bị truy tố về tội ám sát sau khi hiện diện tại tòa.
Ngày 2.3.2017: Cựu Đại sứ Ri Tong-il cho rằng dường như nạn nhân đã thiệt mạng do đau tim chứ không phải do chất độc VX. Cùng ngày, Malaysia dừng cấp thị thực miễn phí cho công dân Triều Tiên.
Ngày 3.3.2017: Công dân Triều Tiên Ri Jong-chol được trao cho bộ phận xuất nhập cảnh để trục xuất sau khi cảnh sát thông báo không có đủ chứng cứ buộc tội.
Ngày 8.3.2017: Thủ tướng Malaysia Najib Razak cáo buộc Triều Tiên sát hại Kim Jong-nam. Một ngày sau, 2 công dân Malaysia được phép rời Triều Tiên sau khi bị cấm rời đi do căng thẳng ngoại giao giữa 2 nước.
Ngày 16.3.2017: Malaysia xác nhận nạn nhân chính là Kim Jong-nam, sau khi có kết quả xét nghiệm căn cứ trên mẫu ADN của con trai nạn nhân
Ngày 31.3.2017: Malaysia trao trả thi thể nạn nhân cho phía Triều Tiên.
Ngày 30.5.2017: Tòa sơ thẩm tại quận Sepang (bang Selangor, Malaysia) ngày 30.5 tuyên bố chuyển vụ án sát hại công dân CHDCND Triều Tiên được cho là ông Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo Kim Jong-un, lên tòa thượng thẩm.
Ngày 16.6.2017: Phiên tòa xét xử diễn ra trong tù vì lo ngại an ninh. Tòa quyết định phiên xử chính thức Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah ở cấp thượng thẩm sẽ bắt đầu từ ngày 2.10.2017 và diễn ra liên tục với 6 đợt trong tháng 10 và 11.
Ngày 2.10.2017: Các nhân chứng tại sân bay Kuala Lumpur đã đưa ra lời khai về diễn biến vụ sát hại. Tại tòa, Hương và Aisyah đều khẳng định họ vô tội.
Ngày 6.3.2018: Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận Triều Tiên đứng sau vụ sử dụng chất độc thần kinh VX và ra các lệnh trừng phạt đối với nước này.
Ngày 27.6.2018: Tòa án thượng thẩm Shah Alam (bang Selangor, Malaysia) bắt đầu phiên tranh tụng cuối cùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.