Sử dụng các kính viễn vọng của Đài Thiên văn Phương Nam châu Âu (ESO) và những tổ chức khác trên thế giới, các chuyên gia Anh đã phát hiện một quầng sáng chói lòa xuất phát từ siêu hố đen ở thiên hà cách chúng ta khoảng 215 triệu năm ánh sáng.
Được đặt tên AT2019qiz, đây là một “sự kiện gián đoạn thủy triều” (TDE), chỉ thời khắc trước khi một ngôi sao bị cuốn vào “miệng” của hố đen, vô cùng hiếm gặp.
Với khoảng cách trên, AT2019qiz cũng được công nhận là sự kiện TDE gần địa cầu nhất lọt vào tầm quan sát của các nhà thiên văn học từ trước đến nay, xảy ra ở khu vực của chòm sao Ba Giang.
Nhân cơ hội hiếm có này, trưởng nhóm Matt Nicholl của Đại học Birmingham (Anh) và đồng sự tập trung nghiên cứu AT2019qiz suốt 6 tháng và phát hiện những chi tiết chưa từng có, theo báo cáo đăng trên chuyên san Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.
|
“Hình ảnh một hố đen “hút lấy và nuốt trọn” một ngôi sao gần đó chẳng khác nào chuyện khoa học viễn tưởng, nhưng nó thật sự xảy ra trong thực tế”, giảng viên Nicholl cho hay.
“Chúng tôi lập tức tập trung các kính viễn vọng trên mặt đất lẫn trong không gian hướng về nơi xuất hiện TED”, theo nhà thiên văn học Thomas Wevers (Đại học Cambridge).
Toàn bộ quá trình ngôi sao xấu số rơi vào “miệng” siêu hố đen xảy ra một cách khủng khiếp đến nỗi có những thời điểm ánh sáng bộc phát đã che mờ cả thiên hà chứa chúng.
Dựa trên những gì quan sát được, các nhà nghiên cứu phát hiện ngôi sao bị hủy diệt từng có kích thước cỡ mặt trời của chúng ta, trong khi khối lượng của siêu hố đen phải lớn gấp cả triệu lần nạn nhân của nó.
Bên cạnh đó, AT2019qiz lần đầu tiên đã cung cấp chứng cứ trực tiếp về sự tồn tại của luồng khí được phóng thích trong lúc hố đen “ăn” một ngôi sao, vốn lâu nay chỉ có trong giả thuyết mà chưa từng được quan sát trên thực tế.
Các nhà nghiên cứu giờ đây đã biết được, ít nhất trong trường hợp của AT2019qiz, siêu hố đen đã phóng thích các luồng khí bụi cực mạnh với vận tốc lên đến 10.000 km/giây trong quá trình “nhấm nháp” con mồi.
Bình luận (0)