Tổng thống Pháp trước thách thức hàn gắn đất nước

11/12/2018 06:29 GMT+7

Dư luận đổ dồn sự chú ý vào cách Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giải quyết bức xúc của người dân và hàn gắn hố sâu chia rẽ tại nước này.

“Đất nước chúng ta đang bị chia rẽ sâu sắc. Một bên là những người xem toàn cầu hóa là có lợi còn một bên sống chật vật và cho rằng nền kinh tế mở là một mối đe dọa. Nhiệm vụ của tổng thống là đoàn kết đất nước”, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire trả lời phỏng vấn Đài RTL ngày 10.12. Ông cũng cảnh báo làn sóng bạo động suốt nhiều tuần qua để lại hậu quả kinh tế nghiêm trọng và hủy hoại hình ảnh nước Pháp trong mắt giới đầu tư. Theo Liên đoàn Thương mại và Bán lẻ Pháp, các vụ biểu tình và chặn đường đến nay đã làm thiệt hại hơn 1 tỉ euro.
[VIDEO] Tổng thống Pháp đối thoại với phe biểu tình "áo vàng" để làm dịu căng thẳng
Trước đó, 136.000 người ủng hộ phong trào Áo phản quang vàng tiếp tục biểu tình rầm rộ khắp nước Pháp trong ngày 8.12, bao gồm 10.000 người ở thủ đô Paris. Bạo động vẫn bùng phát và hơn 1.709 người đã bị bắt, trong đó có 1.000 người ở Paris, sau những vụ đụng độ với cảnh sát, đốt xe hơi và cướp phá cửa hàng. “Chúng tôi không thể chấp nhận hành động phá hoại mà không bị xét xử”, công tố viên Remy Heitz ở Paris nhấn mạnh.
Để xoa dịu căng thẳng, Tổng thống Macron trong ngày 10.12 đã gặp gỡ hàng loạt đại diện các nghiệp đoàn, doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương trước khi có bài phát biểu trước toàn dân tối cùng ngày (rạng sáng nay 11.12, giờ VN) về những biện pháp “tức thời và vững chắc”. Tuy nhiên, chính phủ khẳng định không thể đáp ứng toàn bộ các yêu sách từ Áo vàng phản quang, bao gồm không tăng giá xăng dầu, tăng lương tối thiểu, tái áp dụng thuế đánh vào người có thu nhập cao (gọi tắt ISF) và thậm chí đòi ông Macron phải từ chức “vì chỉ phục vụ giới giàu có”.
“Tất cả mọi vấn đề của người biểu tình sẽ không thể được giải quyết chỉ bằng cách vung đũa phép”, người phát ngôn chính phủ Benjamin Griveaux tuyên bố. Tương tự, Bộ trưởng Lao động Muriel Penicaud nói: “Tăng lương tối thiểu có thể tiêu diệt công ăn việc làm. Nhiều doanh nghiệp nhỏ không thể chi trả cho người lao động dẫn đến nguy cơ phá sản” còn Bộ trưởng Le Maire nhấn mạnh: “Liệu ISF có giúp giảm nghèo, nợ công và chi tiêu ngân sách? Không!”, theo Đài LCI.
[VIDEO] Paris dọn dẹp sau bạo loạn

Trong bài phát biểu vài ngày sau khi làn sóng biểu tình bùng phát ngày 17.11, Tổng thống Macron kiên quyết không thay đổi các chính sách vì “những kẻ côn đồ hung dữ”. Tuy nhiên, đến ngày 4.12, chính phủ tuyên bố hoãn kế hoạch tăng thuế môi trường áp vào xăng dầu, cân nhắc lại ISF và kêu gọi đối thoại với người biểu tình. Bất chấp những động thái này, nhiều người tuyên bố tiếp tục xuống đường và cố thủ tại các giao lộ khắp nước Pháp. Đây là thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Macron sau 18 tháng cầm quyền. Tờ Le Parisien bình luận nhà lãnh đạo 41 tuổi phải đối mặt “khoảnh khắc quyết định”, đồng thời cảnh báo nếu ông không thể xoa dịu bức xúc của người dân thì “nước Pháp sẽ bước vào giai đoạn bất ổn nghiêm trọng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.