Ngoài vắc xin Sputnik V, Nga cũng đang chuẩn bị vắc xin Covid-19 thứ 2 và thứ 3 và việc tạo ra danh mục vắc xin là "mục tiêu chung của chúng ta", Tổng thống Putin nói, theo Reuters.
Theo dự thảo tuyên bố chung dự kiến công bố trong ngày 22.11, các lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ cam kết chi trả cho việc phân phối công bằng vắc xin Covid-19, thuốc và dụng cụ xét nghiệm khắp thế giới để các nước nghèo hơn không bị bỏ rơi, đồng thời gia hạn khoản nợ cho họ.
"Chúng tôi sẽ nỗ lực đảm bảo quyền tiếp cận công bằng cho tất cả quốc gia, phù hợp với cam kết của các thành viên G20. Chúng tôi công nhận vai trò của tiêm chủng mở rộng như một lợi ích cộng đồng toàn cầu", theo dự thảo tuyên bố chung.
Các nhà lãnh đạo G20 cho biết nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu khởi sắc nhưng khả năng phục hồi vẫn "không đồng đều, không chắc chắn và có nhiều rủi ro đi xuống".
G20 cam kết sẽ tiếp tục sử dụng tất cả công cụ chính sách sẵn có nếu cần thiết nhằm bảo vệ việc làm và thu nhập cho người dân, đồng thời khuyến khích ngân hàng phát triển đa phương tăng cường nỗ lực giúp các nước đối phó khủng hoảng kinh tế vì đại dịch Covid-19.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đã kêu gọi 4,5 tỉ USD vào cuối năm nay từ G20 để chi trả cho các công cụ chiến đấu chống lại Covid-19 tại các nước nghèo hơn.
Đến nay, báo cáo sơ bộ về thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cho thấy vắc xin của công ty công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) cùng hãng dược Pfizer (Mỹ) hợp tác với BioNTech (Đức) lần lược đạt hiệu quả ngăn ngừa Covid-19 là 94,5% và 90%.
Truyền thông Trung Quốc hôm 16.11 đưa tin vắc xin Covid-19 của Trung Quốc đạt hiệu quả khoảng 90%. Còn Trung tâm Dịch tễ học và Vi sinh Quốc gia Gamaleya ở thủ đô Moscow của Nga cũng đã thông báo vắc xin Sputnik V của họ có tỷ lệ hiệu quả là 92%.
Đến nay, thế giới ghi nhận hơn 58 triệu ca nhiễm và hơn 1,3 triệu người chết vì Covid-19.
Bình luận (0)