Tổng thống Sri Lanka tuyên bố 'thay máu' lực lượng quốc phòng sau vụ đánh bom

24/04/2019 13:00 GMT+7

Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena ngày 24.4 tuyên bố sẽ thay đổi các lãnh đạo của lực lượng quốc phòng trong vòng 1 ngày vì họ nắm thông tin tình báo nhưng không thể ngăn chặn vụ đánh bom hàng loạt khiến 359 người chết.

“Tôi sẽ tái cơ cấu hoàn toàn lực lượng cảnh sát và an ninh trong vài tuần tới. Tôi dự kiến sẽ thay đổi nhiều lãnh đạo thuộc lực lượng quốc phòng trong vòng 24 giờ tới”, Tổng thống Sirisena nói trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình, theo Reuters.
“Các quan chức an ninh nhận được thông tin tình báo từ nước ngoài về âm mưu tấn công, nhưng không chia sẻ với tôi và cũng không có bất kỳ hành động gì để ngăn chặn. Tôi quyết định sẽ có biện pháp mạnh đối với những quan chức đó”, ông Sirisena cảnh báo.
Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cũng không được chia sẻ thông tin tình báo.
[VIDEO] Khoảnh khắc nghi phạm đánh bom bước vào nhà thờ Sri Lanka
Tính đến ngày 24.4, số nạn nhân thiệt mạng trong vụ đánh bom hàng loạt 3 nhà thờ, 4 khách sạn ở thủ đô Colombo cùng khu vực lân cận vào ngày lễ Phục Sinh 21.4 đã tăng lên ít nhất 359 người, trong đó có 45 trẻ em, và 500 người bị thương. Đến nay đã có 40 nghi phạm người Sri Lanka đã bị bắt giữ và các điều tra viên đang thẩm vấn một công dân Syria.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công. Chính phủ Sri Lanka cáo buộc hai nhóm Hồi giáo cực đoan trong nước ít tiếng tăm NTJ và JMI gây ra vụ tấn công đẫm máu, với sự tiếp tay của “mạng lưới cực đoan quốc tế” để trả đũa cho vụ tấn công chống lại người Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Ruwan Wijewardene giải thích rõ lý do các điều tra viên tin rằng có mối liên hệ với vụ tay súng người Úc mang tư tưởng dân da trắng thượng đẳng Brenton Harrison Tarrant xả súng giết chết 50 người tại 2 đền thờ Hồi giáo ở Christchurch vào ngày 15.3.
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe Reuters
Trước sự bức xúc của dư luận trong nước, chính phủ Sri Lanka ngày 22.4 gửi lời xin lỗi đến quốc dân và gia đình các nạn nhân vì sự chủ quan trong xử lý thông tin tình báo.
Hiện vẫn chưa rõ vì sao chính phủ không có động thái gì sau khi nhận được thông tin tình báo. Tuy nhiên, Sri Lanka đã lâm vào tình trạng chia rẽ chính trị kể từ cuộc khủng hoảng hồi năm 2018. Khi đó, Tổng thống Sirisena cố thay thế Thủ tướng Wickremesinghe bằng một ứng viên mà ông ưu ái. Mặc dù ông Wickremesinghe được phục chức hồi tháng 12.2018 sau khi có sự can thiệp từ Tòa án Tối cao, nhưng chính phủ vẫn còn bị chia rẽ sâu sắc, theo CNN.
Lễ an táng các nạn nhân thiệt mạng tại nghĩa trang gần nhà thờ Thánh Sebastian (một trong số 3 nhà thờ bị đánh bom) tại thị trấn Negombo Reuters
Người phát ngôn chính phủ kiêm Bộ trưởng Y tế Rajitha Senaratne thừa nhận Thủ tướng Wickremesinghe dù được phục chức nhưng lại bị loại khỏi Hội đồng An ninh Quốc gia nên không được cung cấp bất kỳ báo cáo về thông tin tình báo. “Tôi nghĩ rằng đây là quốc gia duy nhất trên thế giới nơi Hội đồng An ninh Quốc gia không muốn tổ chức cuộc họp theo lệnh điều động của Thủ tướng”, ông Senaratne cho biết thêm.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn Reuters ngày 23.4, Thủ tướng Wickremesinghe khẳng định mọi bất đồng với tổng thống đã được giải quyết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.