Truyền thông Mỹ những ngày gần đây loan tin Tổng thống Donald Trump muốn hỏi mua Greenland từ Đan Mạch vì tiềm năng về tài nguyên và vị trí chiến lược của hòn đảo này.
Trả lời phỏng vấn ngày 18.8, Tổng thống Trump xác nhận thông tin nói trên và cho biết thêm rằng “về cơ bản, đó là một hợp đồng bất động sản rất lớn”, theo Fox News.
“Rất nhiều điều có thể hoàn thành. Đan Mạch chịu thiệt hại rất nặng nề vì họ đang tốn gần 700 triệu USD mỗi năm để gánh vác cho hòn đảo. Vì thế, họ đang chịu tổn thất rất lớn. Nhưng về mặt chiến lược thì đó sẽ là hợp đồng tốt cho Mỹ”, Tổng thống Trump phát biểu, đồng thời nhấn mạnh Mỹ là đồng minh lớn của Đan Mạch và giúp bảo vệ nước này.
Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới với diện tích 2,1 triệu km2. Dù nằm gần lục địa Bắc Mỹ nhưng đây là vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch.
Chính quyền địa phương quản lý hầu hết các vấn đề đối nội nhưng về ngoại giao và quốc phòng thì phụ thuộc vào Đan Mạch và mỗi năm nhận hàng trăm triệu USD viện trợ từ Copenhagen.
Tổng thống Trump cho hay sẽ đến thăm Đan Mạch sắp tới và có thể sẽ dạm mua Greenland nhưng nhấn mạnh đây không phải là ưu tiên của chính quyền Mỹ.
Trước đó, Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ Larry Ludlow xác nhận đang xem xét việc mua Greenland, vùng đất theo ông là “giữ vị trí chiến lược và có nhiều khoáng sản giá trị”, nhưng cũng nhấn mạnh mọi việc vẫn còn đang diễn tiến và chưa thể thông tin thêm.
Cùng ngày, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tuyên bố “Greenland không phải để bán”, trong một chuyến thăm đến vùng lãnh thổ này. “Đây là cuộc thảo luận buồn cười, và Kim Kielsen (Thủ hiến Greenland) đương nhiên đã làm rõ rằng Greenland không phải để bán. Câu chuyện nên chấm dứt ở đó”, đài DR dẫn lời nữ lãnh đạo bình luận.
Tổng thống Donald Trump không phải là lãnh đạo Mỹ đầu tiên để ý đến Greenland. Năm 1867, Bộ Ngoại giao Mỹ nghiên cứu khả năng dạm mua Greenland và Iceland, theo The Wall Street Journal. Sau Thế chiến 2, chính quyền Tổng thống Harry Truman rất quan tâm đến lợi ích địa chính trị tại Greenland và hỏi mua vào năm 1946 với mức giá 100 triệu USD nhưng bị Đan Mạch từ chối.
Tuy nhiên, Đan Mạch từng bán quần đảo Tây Ấn ở vịnh Caribê cho Mỹ vào năm 1917 với giá 25 triệu USD, nơi về sau được đổi tên thành quẩn đảo Virgin Mỹ.
Bình luận (0)