Trái đất trong rủi ro tên lửa Trung Quốc rơi tự do

08/05/2021 07:10 GMT+7

Tên lửa Trường Chinh 5B được dự kiến tiến nhập khí quyển trái đất vào sáng 9.5 (giờ Việt Nam), với thời điểm có thể thay đổi vào phút chót, và vẫn chưa xác định được điểm rơi của nó.

Lầu Năm Góc tuyên bố đang dõi theo hành trình của một tên lửa Trung Quốc cỡ lớn, và dự kiến nó tiến nhập khí quyển vào cuối tuần này. Vấn đề ở đây là trong khi một điều chắc chắn nó sẽ rơi xuống Trái đất, nhưng chưa ai có thể khoanh vùng điểm rơi của nó.

Nín thở chờ đợi

Ngày 29.4, Trung Quốc phóng thành công mô đun chính đầu tiên của trạm không gian mới lên quỹ đạo. Kể từ đó, tên lửa đẩy Trường Chinh 5B bắt đầu xoay tít trên quỹ đạo mất kiểm soát quanh địa cầu.

Mất kiểm soát, tầng tên lửa đẩy Trung Quốc có thể rơi xuống đâu?

Do tên lửa có chiều dài 30 m, bề ngang 5 m, trọng lượng 21 tấn, dự kiến một số mảnh của nó sẽ “sống sót” sau giai đoạn lao qua khí quyển và rơi xuống đất. Bên cạnh đó, tên lửa Trường Chinh chỉ mất 90 phút để hoàn tất một vòng quanh trái đất, và vì thế các nhà quan sát không thể đưa ra dự đoán về vị trí rơi xuống, theo trang Ars Technica.
Thời điểm tiến nhập của tên lửa một phần được xác định bởi khí quyển trái đất, vốn có thể phồng lên hoặc co lại (dày lên hoặc mỏng đi) do dao động ngẫu nhiên trước năng lượng mặt trời khi đến địa cầu. Trong khi đó, theo chuyên trang Aerospace.org, độ nghiêng quỹ đạo của tên lửa Trường Chinh 5B hiện là 41,5 độ, đồng nghĩa vị trí tiến nhập khí quyển của nó có thể trải dài từ Chicago, New York City, Rome và Bắc Kinh ở hướng bắc và New Zealand, Chile ở hướng nam.
Dù các nhà quan sát trấn an rằng xác suất phần còn lại của tên lửa rơi xuống biển rất cao, vẫn chưa loại trừ nguy cơ nó sẽ lao xuống khu vực dân cư. Vào thời điểm một tên lửa Trường Chinh 5B khác rơi xuống trái đất hồi tháng 5.2020, nó đi vào khí quyển trên quỹ đạo băng ngang TP.New York (bang New York, Mỹ). Mảnh vỡ còn sót lại của tên lửa Trung Quốc đã gây thiệt hại cho một ngôi làng của Bờ Biển Ngà, may mắn là không ai bị thương.

Trung Quốc phải chịu trách nhiệm

Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cảnh báo và bảo vệ những người có thể bị ảnh hưởng trong tầm rơi của tên lửa, Hãng Bloomberg hôm 7.5 dẫn lời nghị sĩ Jim Cooper, Chủ tịch Tiểu ban Giám sát các chương trình không gian của Mỹ. Vào thời điểm phát biểu, ông Cooper đang đồng chủ trì cuộc điều trần của hai tiểu ban Hạ viện Mỹ hôm 5.5 về các thỏa thuận quốc tế cần đạt được để điều phối hoạt động trong không gian.

Vụ tên lửa Trung Quốc rơi: nước nào "xả rác" mất kiểm soát trên không gian nhiều nhất?


Tại sao Trung Quốc không kiểm soát được tên lửa ?

Sau khi phóng tên lửa đẩy, đa số các nước chọn giải pháp tiến nhập khí quyển có kiểm soát. Theo đó, họ tiếp tục theo dõi và tên lửa vẫn còn đủ nhiên liệu và chờ mệnh lệnh từ trung tâm điều khiển để đi vào khí quyển địa cầu. Biện pháp này cho phép bất kỳ vật liệu nào còn sót lại khi đi qua tầng khí quyển sẽ rơi xuống điểm đã định trên biển. Rõ ràng dòng tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc không thuộc nhóm trên, và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu Bắc Kinh sẽ tiến hành cải tiến tên lửa theo hướng an toàn hơn trong thời gian tới, theo trang Ars Technica.
Tại cuộc điều trần, trường hợp của tên lửa Trường Chinh 5B được đưa ra phân tích vì đây là minh chứng rõ ràng nhất cho mối nguy đến từ hoạt động phóng tên lửa nếu không được kiểm soát tốt. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hy vọng phần còn lại của Trường Chinh 5B sẽ rơi xuống biển, nhưng loại trừ khả năng bắn hạ nó. “Chúng tôi có năng lực làm được nhiều thứ, nhưng chúng tôi chưa có kế hoạch bắn hạ (tên lửa Trung Quốc) vào thời điểm hiện tại”, theo Reuters dẫn lời ông Austin. Hôm qua, Trung Quốc khẳng định nguy cơ tên lửa rơi xuống khu vực dân cư là rất thấp.
Có vẻ như tạm thời không có bên nào muốn xử lý tên lửa Trường Chinh 5B và để mặc nó rơi tự do. Theo một ước tính, tên lửa sẽ tiến nhập khí quyển vào khoảng 11 giờ sáng 9.5 (giờ VN), nhưng mốc thời gian này đang dao động cho đến vài giờ trước khi nó đi qua khí quyển địa cầu. Trong khi đó, tên lửa trên chỉ là 1 trong 11 vụ phóng mà Trung Quốc cần thực hiện để đưa toàn bộ mô đun của trạm không gian mới lên quỹ đạo, có nghĩa là nguy cơ rác tên lửa Trung Quốc rơi trúng vẫn còn treo lơ lửng trên đầu các công dân địa cầu trong thời gian tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.