Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm qua (13.9) đưa tin các cuộc phóng tên lửa hành trình tầm trung mới diễn ra trong 2 ngày 11 và 12.9 và không có sự tham dự của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Các cuộc phóng diễn ra ngay sau khi Triều Tiên duyệt binh kỷ niệm 73 năm ngày Quốc khánh và không vi phạm các lệnh cấm vận của LHQ về phát triển tên lửa đạn đạo.
Ý đồ của Bình Nhưỡng và hệ lụyViệc Triều Tiên vừa thử tên lửa hành trình tầm trung mới, đủ sức tấn công đến hầu hết các căn cứ của Mỹ trên quần đảo Nhật Bản, chứng tỏ Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển chương trình tên lửa trong suốt quá trình ngoại giao với Washington dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Vụ thử này chắc chắn sẽ làm dấy lên lo ngại ở cả Tokyo và Washington, bởi phạm vi của tên lửa đặt các căn cứ của Mỹ và các thành phố của Nhật Bản trong tầm tấn công của Bình Nhưỡng. Điều đó cho thấy việc dễ bị tổn thương của các cơ sở của Mỹ trong khu vực, đồng thời gửi thông điệp đến chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng cách tiếp cận Washington với Bình Nhưỡng cần phải được tăng cường bao gồm đối thoại, giảm nhẹ lệnh trừng phạt và cam kết không tấn công chế độ cầm quyền ở Triều Tiên. Vụ thử tên lửa dường như không định hình lại cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Biden đối với Triều Tiên, mà chủ yếu sẽ tập trung vào việc đạt được các bước đi mới thông qua ngoại giao vốn bị bỏ quên thời gian gần đây.
Trong khi đó, Nhật Bản hiện đang chuẩn bị cho một cuộc tranh cử vị trí lãnh đạo mới, nên động thái của Triều Tiên có thể khiến cho việc lãnh đạo mới tới của Nhật sẽ là một người theo chiều hướng cứng rắn hơn, có thể theo đuổi các chương trình để Tokyo tăng cường năng lực tấn công phủ đầu và khả năng phòng thủ tên lửa. Điều này có thể bất lợi cho Bình Nhưỡng.
PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế, Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật)
(Hoàng Đình thực hiện)
|
Theo dõi cuộc phóng tên lửa mới có ông Pak Jong-chon, ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên cùng nhiều quan chức cấp cao khác.
Bản tin của KCNA nhấn mạnh rằng tên lửa được phát triển trong 2 năm qua và là “vũ khí chiến lược có tầm quan trọng lớn” nhằm đạt mục tiêu then chốt trong kế hoạch 5 năm về phát triển khoa học quốc phòng và các hệ thống vũ khí. Cụ thể, các thử nghiệm chi tiết về những bộ phận tên lửa, động cơ đẩy, đường bay, điều khiển, sức mạnh đầu đạn… đều thành công.
Theo Yonhap, đây là lần thứ 3 Triều Tiên phóng thử tên lửa trong năm nay. Trước đó, Bình Nhưỡng tiến hành phóng 2 tên lửa hành trình vào ngày 21.3 và 2 tên lửa tầm ngắn vào ngày 25.3.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ hôm qua cho rằng Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển chương trình quân sự, gây ra mối đe dọa đối với các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho hay Tokyo quan ngại về thông tin Bình Nhưỡng thử tên lửa hành trình và sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với Mỹ cũng như Hàn Quốc để theo dõi tình hình, theo Reuters.
|
Cùng ngày 13.9, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) thông báo Seoul đang hợp tác với giới chức tình báo Washington phân tích sâu về cuộc phóng tên lửa của Triều Tiên. Về phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nước này kêu gọi kiềm chế trên bán đảo Triều Tiên và nhắc lại quan điểm trước nay của Bắc Kinh về giải pháp thông qua đối thoại.
Giới chuyên gia cho rằng tên lửa Triều Tiên vừa phóng thử tương tự như tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk của Mỹ và tên lửa hành trình Hyunmoo-3C của Hàn Quốc. Tên lửa mới được cho là bước tiến công nghệ của Triều Tiên về năng lực né tránh các hệ thống phòng thủ để có khả năng tấn công các mục tiêu trên khắp Hàn Quốc và Nhật.
Chuyên gia Ankit Panda tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (trụ sở tại Washington D.C, Mỹ) nhận định rằng đây là tên lửa hành trình đầu tiên được Triều Tiên giao vai trò “chiến lược”, thường chỉ dùng cho các hệ thống vũ khí hạt nhân. Mặt khác, ông Panda lưu ý việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un không trực tiếp tham dự dường như nhằm thể hiện cuộc phóng thử là điều bình thường.
Bình luận (0)