Triều Tiên bị tố xuất khẩu lao động nô lệ sang châu Âu

06/07/2016 16:33 GMT+7

Triều Tiên xuất khẩu hàng trăm lao động, được xem là “nô lệ do nhà nước bảo trợ”, đến các quốc gia EU và bóc lột tiền lương của họ, một tổ chức nhân quyền cáo buộc vào ngày 6.7.

Các lao động Triều Tiên thường làm việc 10-12 giờ/ngày, 6 ngày/tuần, nhưng 90% tiền lương của họ lại được gửi vào ngân sách Triều Tiên, theo báo cáo của Liên đoàn châu Âu vì Nhân quyền ở Triều Tiên (EAHRNK, trụ sở ở Anh), theo Reuters.
Đa số lao động Triều Tiên làm việc tại các xưởng đóng tàu ở Ba Lan, các công trình xây dựng và nông trại. Ngoài ra, họ cũng làm việc trong xưởng may ở Malta và những quốc gia EU khác, EAHRNK cho hay.
Đại sứ quán Triều Tiên ở Ba Lan đã bác bỏ thông tin Bình Nhưỡng bóc lột tiền lương công nhân Triều Tiên ở nước ngoài.
“Thông tin này là vô căn cứ. Không ai bóc lột tiền lương của họ, họ làm việc và kiếm tiền cho bản thân họ”, một quan chức giấu tên của Đại sứ quán Triều Tiên tại Ba Lan nói với Reuters.
Trong khi đó, các nhà hoạt động nhân quyền của EAHRNK khẳng định chính quyền ông Kim Jong-un bóc lột lao động Triều Tiên ở nước ngoài để kiếm thêm tiền nhằm bù đắp cho khoản ngoại tệ thiếu hụt do những lệnh trừng phạt mở rộng của Liên Hiệp Quốc (LHQ) sau vụ Bình Nhưỡng thử bom nhiệt hạch ngày 6.1 và phóng tên lửa ngày 7.2.
Giám đốc EAHRNK Michael Glendinning cho biết Bình Nhưỡng “kiểm soát và trục lợi từ lao động ở nước ngoài”.
Một báo cáo của LHQ hồi năm 2015 ước tính có trên 50.000 công dân Triều Tiên làm việc ở nước ngoài, đóng góp khoảng 1,2 - 2,3 tỉ USD hằng năm cho ngân sách Triều Tiên. Nhưng một số chuyên gia vẫn tỏ vẻ hoài nghi trước báo cáo này.
Đa số lao động Triều Tiên làm việc ở Nga và Trung Quốc. Một số khác làm việc ở các quốc gia châu Phi và các công trình xây dựng ở Trung Đông, bao gồm Qatar vốn đang chuẩn bị tổ chức World Cup 2022. Nhưng các nước EU ngày càng trở nên hấp dẫn đối với lao động Triều Tiên bởi mức lương cao hơn, ông Glendinning nói.
Lao động bỏ trốn, gia đình bị trừng phạt
Trong ngày 6.7, tổ chức nghiên cứu xã hội LeidenAsiaCentre (Hà Lan) dự kiến sẽ công bố nghiên cứu mô tả chi tiết về đời sống của những công nhân Triều Tiên ở Ba Lan.
Các nhà nghiên cứu của LeidenAsiaCentre đã phỏng vấn các công nhân Triều Tiên trong và ngoài EU, tiến hành nghiên cứu thực địa ở Ba Lan và thu thập số liệu từ chính phủ nhiều nước để hoàn tất nghiên cứu.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm một nhà máy ở Triều Tiên Reuters
Hồi đầu năm 2016, LeidenAsiaCentre từng công bố một báo cáo với thông tin chi tiết về vụ một người thợ hàn Triều Tiên thiệt mạng do bị bỏng 95% sau vụ tai nạn lao động tại một xưởng đóng tàu ở Ba Lan vào năm 2014. Các điều tra viên phát hiện công ty Ba Lan đã cung cấp đồ bảo hộ lao động dễ cháy cho người thợ hàn Triều Tiên.
Theo LeidenAsiaCentre, người thợ hàn Triều Tiên làm việc trên 70 giờ/tuần mà không được trả lương tương xứng.
Nhiều lao động Triều Tiên không có hợp đồng lao động hay phiếu trả lương; họ phải nộp hộ chiếu thế chân và bị giới hạn về việc đi lại ngoài nơi làm việc, ông Glendinning nói. Họ bị giám sát và phải tham gia những lớp học về tư tưởng do Triều Tiên tổ chức, thậm chí trong lúc đang làm việc ở nước ngoài, theo ông Glendinning.
“Những gì chúng ta chứng kiến là một "tiểu Bình Nhưỡng" đang được xuất khẩu. Họ đem những hành động vi phạm nhân quyền đến EU và chúng ta lại tha thứ cho hành động này”, ông Glendinning nói thêm.
Ba Lan cấp 2.783 giấy phép làm việc cho người Triều Tiên trong giai đoạn 2008-2015, báo cáo LeidenAsiaCentre dẫn lại số liệu từ 32 công ty Ba Lan có thuê lao động Triều Tiên. Dù vậy, ông Glendinning nói Ba Lan đã ngừng cấp visa mới cho công nhân Triều Tiên trong năm 2016.
Các nhà hoạt động nhân quyền của EAHRNK cho hay Triều Tiên tuyển chọn kỹ lưỡng những lao động ra nước ngoài làm việc vì lo sợ họ bỏ trốn.
“Họ chỉ chọn những người lao động đã kết hôn và có con. Nếu người lao động bỏ trốn thì gia đình sẽ bị trừng phạt, chẳng hạn vào trại cải tạo, ở tù hoặc thậm chí bị xử tử”, ông Glendinning nói, nhưng không công bố chứng cứ.
Theo một phóng sự gần đây của trang tin Vice News (Mỹ), một lao động Triều Tiên bỏ trốn khi đang làm việc ở Nga tiết lộ gia đình của anh ta “bị tiêu diệt” sau khi anh bỏ trốn.
Trong nghiên cứu Chỉ số Nô lệ Toàn cầu năm 2016 công bố hôm 31.5, tổ chức Walk Free Foundation (WFF) cho biết cả thế giới hiện có trên 45 triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em là nô lệ, cao gấp nhiều lần so với những con số thống kê trước đây, với 2/3 số nô lệ tập trung ở châu Á-Thái Bình Dương. Theo WFF, cứ 20 người Triều Tiên thì có 1 người là nô lệ thời hiện đại, theo AFP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.