Triều Tiên thử hạt nhân: Tạo cục diện mới

04/09/2017 09:09 GMT+7

Mục đích chính của Bình Nhưỡng là tận dụng thế khó xử của Washington để tạo sự đã rồi, đồng thời đưa ra bằng chứng để buộc Mỹ công nhận Triều Tiên là cường quốc hạt nhân.

Sau những lần phóng tên lửa liên tiếp, CHDCND Triều Tiên đã thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu. Nhật Bản và Hàn Quốc đã xác nhận còn Mỹ dường như vẫn trong quá trình đánh giá nên phản ứng về vụ việc có phần thận trọng và không khác những gì đã thể hiện lâu nay.
Mỹ có lý do xác đáng để thận trọng trong cả đánh giá lẫn phản ứng. Chỉ riêng chuyện Triều Tiên lại thử hạt nhân không thôi chứ chưa nói đến thử bom nhiệt hạch đã bị Mỹ coi là vượt quá “lằn ranh đỏ”. Việc này buộc Mỹ phải phản ứng cứng rắn hơn nữa vì nếu không sẽ bị coi là yếu thế, mất thể diện và sẽ còn bị Triều Tiên lấn tới nữa. Vấn đề là Washington biết rõ phải phản ứng như thế nào nhưng lại không biết nên hành động cụ thể ra sao trong trường hợp Bình Nhưỡng vượt quá ranh giới. Tấn công quân sự ư? Mỹ có khả năng thực tế để làm và không loại trừ ý định này nhưng cái giá phải trả quá đắt về mọi phương diện. Siết chặt trừng phạt ư? Việc này Mỹ đã làm từ nhiều năm nay nhưng kết quả thu về rất hạn chế. Ép Trung Quốc ư? Không dễ như Mỹ tưởng và phía Bắc Kinh vừa có lợi ích riêng lẫn cái khó riêng.
Trước đây, Triều Tiên tung ra tín hiệu hòa dịu khi tuyên bố tạm gác kế hoạch phóng tên lửa nhằm vào đảo Guam nhưng sau đó bất ngờ làm găng với thử hạt nhân. Xem ra, mục đích chính của Bình Nhưỡng là tận dụng thế khó xử của Washington để tạo sự đã rồi, đồng thời đưa ra bằng chứng để buộc Mỹ công nhận Triều Tiên là cường quốc hạt nhân nhằm tiến tới đàm phán trên nền tảng ngang bằng, tức là tạo ra cục diện quan hệ song phương mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.