Trung Quốc đang tạo chuỗi đảo trái phép tại biển Đông

31/01/2015 18:11 GMT+7

(TNO) Thông qua các đảo nhân tạo được xây dựng trái phép tại biển Đông, Trung Quốc có thể đang âm mưu thiết lập chuỗi đảo thứ nhất nhằm chế ngự các căn cứ Mỹ ở Úc, tạp chí quốc phòng Japan Military Review (Nhật Bản) đưa tin.

(TNO) Thông qua các đảo nhân tạo được xây dựng trái phép tại biển Đông, Trung Quốc có thể đang âm mưu thiết lập chuỗi đảo thứ nhất nhằm chế ngự các căn cứ Mỹ ở Úc, tạp chí quốc phòng Japan Military Review (Nhật Bản) đưa tin.


Hình ảnh Trung Quốc xây dựng trái phép ở Gạc Ma. Đằng sau tàu vận tải là công trình có thể là trung tâm kiểm soát không lưu - chỉ huy bay cũng đang được gấp rút xây dựng (khối nhà tròn, phủ ni lông màu xanh) - Ảnh: Mai Thanh Hải

Ông Saburo Tanaka, một chuyên gia người Nhật chuyên nghiên cứu về quân đội Trung Quốc, nhận định các căn cứ quân sự của Mỹ tại Úc đã trở thành mối lo ngại chính của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), trang tin Want China Times (Đài Loan) ngày 31.1 trích dẫn bản tin của tạp chí tiếng Nhật cho biết.

Các đảo nhân tạo tại biển Đông sẽ giúp cho Trung Quốc vừa có khả năng bảo bọc tuyến tiếp tế bằng đường biển ở phía bắc Eo biển Malacca, đồng thời còn có thể ngăn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tiến vào biển Đông từ biển Celebes, theo phân tích của chuyên gia Nhật.

Được biết, chuỗi đảo thứ nhất là khái niệm chỉ vòng cung bao quanh lãnh hải Trung Quốc trải dài từ quần đảo Kuril ở phía bắc qua Nhật Bản, xuống Đài Loan, Philippines đến tận Indonesia.

Lâu nay, Bắc Kinh vẫn muốn chiếm lĩnh toàn bộ biển Đông và Hoa Đông, qua đó khống chế chuỗi đảo thứ nhất để vươn ra biển và trở thành một thế lực toàn cầu.

Ông Tanaka cũng nói thêm rằng bản kế hoạch chi tiết do Viện Nghiên cứu và Thiết kế Số 9 thuộc Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc rò rỉ trên mạng internet cho thấy PLA đang có kế hoạch ngang ngược xây cả căn cứ hải quân lẫn không quân trên 6 đảo và bãi đá ngầm tại biển Đông.

Trung Quốc được cho là đang xây dựng trái phép một đường băng trên bãi Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi nằm cách bờ biển phía bắc của Úc khoảng 3.200 km.

Từ Gạc Ma, máy bay ném bom H-6 của Không quân PLA với tầm chiến đấu có bán kính lên đến 1.800 km có thể phát động một cuộc tấn công chống hải quân Úc, theo ước tính của chuyên gia Nhật.

Cũng theo chuyên gia Nhật, các quốc gia khác trong khu vực như Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Singapore khi đó cũng sẽ nằm trong tầm tấn công của máy bay ném bom chiến lược Trung Quốc.

Ông Tanaka còn nói thêm rằng Singapore nhiều khả năng có thể trở thành mục tiêu của PLA vì Hải quân Mỹ trong tương lai có lẽ sẽ điều thêm tàu chiến ven bờ tới đảo quốc này.
Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa phản đối Trung Quốc diễn tập ở Phú Lâm
 
Về việc chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ngày 6.1 tuyên bố “thành lập bốn Ban vũ trang nhân dân ở Tam Sa” cũng như việc Trung Quốc tổ chức diễn tập ở đảo Phú Lâm, nơi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ngày 8.1, ông Võ Công Chánh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng, cho biết quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
 
Kể từ ngày 19.1.1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, mọi hành động của Trung Quốc tại quần đảo này đều phi nghĩa, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và đi ngược lại Luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế về Luật Biển.
 
Những hành động đơn phương của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và trên Biển Đông thời gian qua đang đe dọa nghiêm trọng an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông và lợi ích trên biển của các quốc gia trên thế giới, đe dọa quan hệ hữu nghị, hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực.
 
"Chúng tôi phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay các hoạt động phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng như trên Biển Đông để duy trì quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa hai nước và trong khu vực" - ông Võ Công Chánh nhấn mạnh. (TTXVN)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.