Trung Quốc lợi dụng Covid-19 để tuyên truyền 'đường lưỡi bò'

Khánh An
Khánh An
18/03/2020 07:00 GMT+7

Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý lợi dụng dịch Covid-19 để đăng bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp ở Biển Đông trên trang Facebook chính thức của cơ quan đại diện ngoại giao, khiến cộng đồng mạng phẫn nộ.

Lợi dụng dịch bệnh

Bài viết được đăng có nội dung: “Forse te ne sei dimenticato, ma noi ricorderemo per sempre. Ora tocca a noi aiutarti…” (tạm dịch: Bạn có thể đã quên, nhưng chúng tôi sẽ luôn nhớ. Bây giờ chúng tôi sẽ giúp bạn). Đính kèm bài viết là hình vẽ hai nhân viên y tế mặc trang phục có màu cờ của hai nước đang cùng nâng đỡ bản đồ của Trung Quốc và Ý, hàm ý tương thân tương trợ. Bên cạnh đó, nội dung đăng còn dành lời cảm ơn đến hai nghệ sĩ thực hiện tác phẩm.
Tuy nhiên, cộng đồng mạng nhanh chóng phát hiện bản đồ Trung Quốc cố tình chèn hình ảnh “đường lưỡi bò” mà nước này từng dùng để thể hiện yêu sách chủ quyền vô căn cứ và trái luật quốc tế ở Biển Đông, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Hàng loạt người phát hiện sự việc đã nhanh chóng chụp màn hình và kêu gọi phản đối ý đồ xấu của Trung Quốc. Nhiều tài khoản để lại lời nhắn bên dưới bài viết bằng nhiều thứ tiếng để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Nhiều tài khoản thay nhau đăng bình luận với nội dung “Chúng tôi cảm thông với người dân Ý và Trung Quốc trong những thời điểm khó khăn này và yêu cầu chính phủ Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Chúng tôi bác bỏ mọi ý đồ thiết lập đường 9 đoạn phi pháp”.
Trong bài đăng ngày 2.3 trên trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, “đường lưỡi bò” cũng được cài vào một cách tinh vi trong tấm hình cuối bài.

“Đường lưỡi bò” được cài tinh vi trong bài viết đăng trên trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại VN ngày 2.3

Ảnh chụp màn hình

“Ngoại giao vi rút”

Theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc đang mở rộng “ngoại giao vi rút Corona” ở châu Âu và nhiều nước khác trong bối cảnh đại dịch toàn cầu đang lắng xuống tại nước này nhưng diễn biến xấu tại nhiều nơi khác.
Ý - quốc gia có số ca nhiễm cao thứ 2 sau Trung Quốc - mới đây cho hay sẽ tiếp nhận 5 triệu khẩu trang cùng 2 nhóm chuyên gia y tế Trung Quốc đến hỗ trợ đối phó dịch. Trung Quốc đề nghị hỗ trợ Ý và Tây Ban Nha trùng hợp với thời điểm Ý trách các nước khác trong EU không hỗ trợ thiết bị và trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu.
Tại Tây Ban Nha, Ngoại trưởng Arancha Gonzalez Laya điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị chỉ vài giờ trước khi Tây Ban Nha siết chặt việc đi lại trên cả nước. Ông Vương chia sẻ thành tựu chống dịch ở Trung Quốc và hứa sẵn sàng hỗ trợ các nước có nhu cầu, cũng như xuất khẩu trang thiết bị y tế và đồ bảo hộ đến Tây Ban Nha qua các kênh thương mại.
Theo Reuters, sau khi số ca nhiễm Covid-19 trong nước giảm, Trung Quốc tìm cách “thể hiện trách nhiệm” khi chia sẻ chuyên gia và trang thiết bị đến các nước có số ca nhiễm tăng nhanh. Song song đó, Trung Quốc thậm chí còn tranh cãi về việc bệnh dịch xuất phát từ nước này. Chuyên gia Natasha Kassam tại Viện Lowy (Úc) cho rằng việc các nước đang chật vật đối phó với Covid-19 lại là cơ hội cho Trung Quốc. Tuy nhiên, lợi dụng điều đó để tuyên truyền “đường lưỡi bò” phi pháp lần này cho thấy dã tâm của Trung Quốc chưa dừng lại.
Không từ bỏ tham vọng
Trả lời Thanh Niên tối 17.3, chuyên gia Hoàng Việt (thành viên Ban Nghiên cứu luật Biển và hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nói rằng tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã có từ lâu, với mục đích trở thành cường quốc biển để bá chủ thế giới. Chính vì vậy, khi chưa đạt được mục đích thì không dễ gì mà Trung Quốc từ bỏ. Thậm chí ngay lúc đang phải ứng phó dịch Covid-19, Trung Quốc cũng không ngưng việc thị uy, đe dọa hòng cưỡng chiếm Biển Đông.
Mặc dù tham vọng này bị thế giới phản đối vì vi phạm luật quốc tế, nhưng Bắc Kinh vẫn muốn tuyên truyền, muốn gây sự ngộ nhận nên đã liên tục tìm mọi cách để đưa “đường lưỡi bò” vào tất cả những gì mà họ có thể làm. Trước nay, Trung Quốc đã cố tình cài cắm “đường lưỡi bò” trong phim ảnh, đồ chơi trẻ em, ấn phẩm khoa học bất chấp sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Vì thế, chúng ta không được lơi lỏng trước dã tâm này của Trung Quốc. 
Ngọc Mai
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.