Trung Quốc phóng tàu vũ trụ khám phá vùng tối của mặt trăng

Bảo Vinh
Bảo Vinh
08/12/2018 09:08 GMT+7

Rạng sáng 8.12, Trung Quốc đã phóng tên lửa đưa lên không gian tàu vũ trụ thực hiện nhiệm vụ khám phá vùng tối của mặt trăng.

Tên lửa Trường Chinh 3B được phóng lúc 2 giờ 23 (giờ địa phương) tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên miền nam Trung Quốc. Theo tờ South China Morning Post, nếu thành công, đây sẽ là chuyến thám hiểm vùng tối của mặt trăng đầu tiên của nhân loại.
Tàu vũ trụ Hằng Nga 4 (Chang’e 4) sẽ bay quanh mặt trăng 5 ngày và dự kiến sẽ đáp xuống trong khoảng từ ngày 1-3.1.
Phía xa của mặt trăng, hay còn gọi là vùng tối, nằm ở mặt đối diện với vùng sáng mà con người nhìn thấy được từ trái đất. Vùng tối của mặt trăng vẫn được ánh sáng mặt trời chiếu sáng và từ “tối” ở đây ý nói vùng mà con người chưa nhìn thấy được.
[VIDEO] Trung Quốc bắc "Cầu Ô Thước" tìm hiểu phía khuất của Mặt trăng
Phía xa của mặt trăng có bề ngoài khác so với vùng mà con người nhìn thấy. Nó có lớp vỏ dày hơn với nhiều miệng hố hơn, theo BBC.
Các nhà khoa học cho rằng đáp xuống vùng này là một thách thức vì liên lạc giữa trái đất với tàu vũ trụ sẽ bị ngăn cản. Do đó, Trung Quốc hồi tháng 5 đã phóng một vệ tinh lên vũ trụ đóng vai trò trung gian giúp tàu vũ trụ Chang’e 4 và trái đất liên lạc với nhau.
Sứ mệnh lần này nằm trong chương trình lớn của Trung Quốc nhằm khám phá mặt trăng. Tàu vũ trụ Chang’e 1 và 2 có nhiệm vụ thu thập thông tin từ quỹ đạo. Tàu số 3 và 4 quan sát, khám phá bề mặt trong khi tàu 5 và 6 sẽ đưa mẫu vật từ mặt trăng về trái đất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.