Trung Quốc thử nghiệm động cơ tên lửa bội siêu thanh đạt kỷ lục mới

Khánh An
Khánh An
31/05/2020 23:28 GMT+7

Động cơ scramjet (động cơ phản lực luồng tĩnh siêu âm) của Trung Quốc có thời gian hoạt động lâu nhất thế giới trong thử nghiệm công nghệ bội siêu thanh mới nhất.

Theo South China Morning Post, Trung Quốc vừa thử nghiệm động cơ đẩy scramjet với thời gian hoạt động tối đa lên đến 10 phút, thời gian hoạt động lâu nhất của loại động cơ này trên thế giới.
Trong thử nghiệm mặt đất tại Bắc Kinh, các chuyên gia tại Viện Cơ học Trung Quốc đã cho luồng khí siêu nóng với tốc độ cao đi vào động cơ và đốt trong thời gian tối đa là 600 giây.
Từ năm 2013, tên lửa bội siêu thanh X-51A WaveRider của Không quân Mỹ giữ kỷ lục 210 giây giúp nó đạt tốc độ Mach 5. Đến năm 2016, Ấn Độ thử nghiệm một tên lửa đạt tốc độ Mach 6 với động cơ hoạt động chỉ trong 5 giây.
Theo bài báo đăng trên trang web của Viện Cơ học Trung Quốc, bước đột phá mới được dựa trên “điều tra đầu tiên trên thế giới về thay đổi trạng thái nhiên liệu hydro cacbon và sự ổn định của sự đốt cháy bội siêu thanh”.
Động cơ scamjet có khả năng đạt tốc độ gấp 5 lần vận tốc âm thanh hoặc hơn. Các động cơ phản lực truyền thống có thể nóng chảy ở tốc độ quá cao. Dòng khí siêu thanh có thể nâng nhiệt độ động cơ lên hơn 4.0000C và nếu tích tụ quá nhiều nhiệt, động cơ có thể phát nổ.
Tiến sĩ Fan Xuejun và các đồng nghiệp giải quyết vấn đề này bằng cách hướng luồng nhiên liệu lên bề mặt các thành phần nóng nhất như buồng đốt. Với sự kiểm soát chính xác, nhiên liệu có thể hấp thụ và tản nhiệt.
Nhiệt độ sau đó sẽ biến nhiên liệu thành một loại khí gồm các phân tử carbon và hydro, để tiếp xúc với ô xy trong không khí nén và đốt cháy để tạo động lực.
Huang Yue, phó giáo sư kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Đại học Hạ Môn, cho biết 10 phút đối với một lần hoạt động của động cơ scramjet là một thành tích ấn tượng vì nhiều lần thử chỉ hoạt động trong vài giây.
Bài báo không nói rõ thử nghiệm được tiến hành khi nào và đã được thử nghiệm phóng thử trên thực tế hay chưa. Trong khi đó, động cơ này đã đăng ký vào chương trình vũ khí bội siêu thanh bí mật của Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.