Trung Quốc tung đòn ăn thua đủ với Mỹ

10/06/2021 18:45 GMT+7

Việc Trung Quốc vừa thông qua luật mới nhằm chống trừng phạt để đáp trả lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ cho thấy Bắc Kinh đang sẵn sàng leo thang để “ăn thua đủ” với Washington trong cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 bên.

Tờ South China Morning Post đưa tin Ủy ban thường vụ Nhân đại Toàn Quốc (Quốc hội) Trung Quốc chiều nay 10.6 vừa thông qua luật chống trừng phạt. Luật này được thông qua một cách gấp rút ngay trước khi cơ quan trên bế mạc kỳ họp lần này.

Bắc Kinh “ăn miếng trả miếng”

Tờ báo dẫn lời ông Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố việc thông qua luật mới cho thấy quyết tâm của nước này trong vấn đề bảo vệ chủ quyền và lợi ích cốt lõi. Dù đã được truyền thông Trung Quốc đưa tin hồi đầu tuần, nhưng chi tiết quy định của luật trên vẫn chưa được công khai.

Cho đến nay, luật chống trừng phạt vừa được thông qua là công cụ mạnh nhất để Trung Quốc đáp trả các lệnh trừng phạt của nước ngoài.

Hồi tháng 1, Bộ Thương mại Trung Quốc ban hành quy định yêu cầu các công ty nước này báo cáo các hạn chế của nước ngoài đối với các hoạt động kinh tế hoặc thương mại. Trước đó, vào tháng 9.2020, Trung Quốc lên danh sách “các thực thể không đáng tin cậy” bao gồm các doanh nghiệp nước ngoài được xem như một “danh sách đen” để Bắc Kinh có thể trừng phạt trả đũa các lệnh trừng phạt từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Tờ South China Morning Post dẫn lời một phó giáo sư, người đã tham gia vào các cuộc tham vấn về luật chống trừng phạt trên, cho biết dự thảo luật này được đưa ra lần đầu tiên vào tháng 4, sau khi Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ủng hộ một đạo luật chống lại sự cạnh tranh từ Trung Quốc.

Vị phó giáo sư cho biết thêm việc ban hành luật này đã bắt đầu vào năm ngoái khi ông Donald Trump đang giữ chức Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, phía Trung Quốc chưa có động thái vì muốn chờ xem nếu thay đổi lãnh đạo ở Mỹ thì chính quyền mới ở Washington có thay đổi cách tiếp cận với Bắc Kinh hay không?

Như vậy, Bắc Kinh tăng cường đối đầu với Washington trong cuộc xung đột thương mại giữa hai bên vốn kéo dài từ thời ông Trump và dường như Tổng thống Joe Biden - người kế nhiệm của ông Trump - không có dấu hiệu “xuống thang”.

Rủi ro cho nhiều tập đoàn toàn cầu

Theo một số thông tin, luật chống trừng phạt vừa được thông qua có thể bao gồm điều luật cho phép các công ty Trung Quốc bị trừng phạt có thể khởi kiện các thực thể nước ngoài, bao gồm các doanh nghiệp quốc tế, bị cho là đã hỗ trợ hay tiếp tay các lệnh trừng phạt. Thông qua tòa án của Trung Quốc đại lục, việc khởi kiện đi kèm các yêu cầu bồi thường.

Tình hình này khiến nhiều tập đoàn toàn cầu đứng trước rủi ro “trên đe dưới búa”. Tờ South China Morning Post dẫn ví dụ là Tập đoàn Ngân hàng HSBC trong vụ bà Mạnh Vãn Châu, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính Tập đoàn Huawei (Trung Quốc), đã bị Camada bắt giữ theo đề nghị từ phía Mỹ.

Theo đó, bà Mạnh bị cáo buộc gian lận ngân hàng vì đã gây hiểu lầm cho HSBC về mối quan hệ của Huawei với một công ty hoạt động ở Iran, khiến HSBC có nguy cơ bị phạt và bị phạt vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

HSBC bị truyền thông Trung Quốc chỉ trích trong vụ Huawei

Reuters

Truyền thông Trung Quốc chỉ trích HSBC đóng một vai trò “ác ý” trong vụ bắt giữ Mạch ở Canada, vì Bộ Tư pháp Mỹ đã thu thập các tài liệu từ HSBC trong quá trình điều tra xem Huawei có vi phạm33 các lệnh trừng phạt đối với Iran hay không. Chính vì thế, theo luật chống trừng phạt mà Trung Quốc vừa đưa ra, HSBC có thể sẽ bị tòa án Trung Quốc đại lục “sờ gáy”.

Bên cạnh đó, giới quan sát lo ngại luật mới của Bắc Kinh có thể không được giảng giải rõ ràng khiến cho các tập đoàn toàn cầu có thể gặp rủi ro khi quan hệ với các tập đoàn của Trung Quốc đại lục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.