Từ Nhà Trắng đến những giờ phút cận kề chiến tranh Mỹ - Iran

Bảo Vinh
Bảo Vinh
09/01/2020 17:40 GMT+7

Tin nhắn cảnh báo từ lực lượng tình báo Mỹ về vụ tấn công của Iran được gửi đến trong lúc Tổng thống Donald Trump đang tiếp Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tại Nhà Trắng.

Tờ The New York Times ngày 9.1 dẫn lời nhiều quan chức đương nhiệm và cựu quan chức Mỹ, cùng quân nhân Mỹ và Iraq, để kể về những diễn biến ngay trước và sau khi Iran phóng tên lửa tấn công căn cứ Iraq có lính Mỹ đồn trú ngày 8.1.
Chờ cuộc báo thù
Sau vụ không kích ngày 3.1 làm chỉ huy đặc nhiệm Qassem Soleimani của Iran thiệt mạng, giới chức Mỹ đã dự đoán về một cuộc tấn công báo thù từ phía Iran. Các vệ tinh do thám Mỹ được điều động theo dõi mọi cử động của những giàn phóng tên lửa Iran trong khi Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) cũng nghe lén được những cuộc trao đổi của giới lãnh đạo quân sự Iran, ám chỉ khả năng sẽ tấn công trả đũa vào ngày 7.1 (giờ Mỹ).
Căn cứ Al Asad gần Baghdad (Iraq) là nơi mà nhiều nguồn tin tình báo cho là có khả năng bị tấn công, trong đó có một cảnh báo nói hàng trăm tay súng của nhóm dân quân Kataib Hezbollah được Iran hậu thuẫn có thể tấn công trực diện vào căn cứ này.

Giới lãnh đạo Mỹ nhận tin nhắn cảnh báo hơn 3 giờ trước khi cuộc tấn công xảy ra

Ảnh: Nhà Trắng

Cho đến sáng ngày 7.1, giới tình báo Mỹ vẫn chưa có đủ thông tin để về việc đáp trả của Iran và Nhà Trắng quyết định để Tổng thống Trump giữ lịch làm việc bình thường, trong đó có cuộc đón tiếp Thủ tướng Hy Lạp Mitsotakis.
Tuy nhiên, đến 14 giờ, một tin nhắn khẩn từ các cơ quan tình báo Mỹ nói rằng Iran sẽ tấn công lính Mỹ trong vài giờ nữa.

[VIDEO] Sau "cú tát" vào Mỹ từ Iran, liệu vòng luẩn quẩn trả thù đã dừng lại?

Phó tổng thống Mike Pence và Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien tức tốc đến Phòng tình huống ở Nhà Trắng và bàn bạc trước với các quan chức an ninh khác. Trong khi đó, Tổng thống Trump còn đang trong cuộc họp với Thủ tướng Mitsotakis và sau đó mới bước vào Phòng tình huống. Giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA) Gina Haspel trong cuộc gọi video từ trụ sở CIA ở Virginia báo cáo thông tin cho Tổng thống Trump.

Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy một số thiệt hại tại căn cứ Al Asad

Ảnh: AFP

Báo động giả và cuộc tấn công thật
Đến khoảng 16 giờ, tin tức báo về rằng căn cứ Taji ở phía bắc Baghdad đã bị tấn công. Cùng thời điểm, loa báo động tại đại sứ quán Mỹ ở Baghdad vang lên nói một cuộc tấn công sắp xảy ra. Toàn bộ nhân viên Mỹ và Iraq trong đại sứ quán chạy  nhanh xuống các hầm trú bom. Tuy nhiên, vụ việc hóa ra là báo động giả.
Đến khoảng 17 giờ 30, Lầu Năm Góc phát hiện có 16 tên lửa tầm ngắn và tầm trung Fateh-110 cùng Shahab phóng từ 3 địa điểm ở Iran. Nhiều quả đánh trúng căn cứ Al Asad nhưng chỉ gây thiệt hại nhẹ, gồm một trực thăng Black Hawk, một máy bay không người lái trinh sát, một phần tháp kiểm soát không lưu và vài hangar không có máy bay.

Một số thiệt hại tại căn cứ Al Asad

Ảnh: AFP

Vài phút sau, loạt tên lửa thứ hai bắn trúng căn cứ không quân ở Erbil, miền bắc Iraq, nơi hàng trăm lính Mỹ và liên quân đồn trú. Cả hai vụ tấn công không gây thiệt hại về nhân mạng.
Sau khi tình hình tạm lắng, Tổng thống Trump và Phó tổng thống gọi điện cho giới lãnh đạo đảng Cộng hòa và Dân chủ ở quốc hội. Một số người khuyên can Tổng thống Trump kiếm chế và cân nhắc trong việc đáp trả.

Tổng thống Trump phát biểu tại Nhà Trắng vào ngày 8.1

Ảnh: Reuters

Các cố vấn cũng thảo luận về việc Tổng thống Trump có nên đọc bài phát biểu. Truyền thông Mỹ khi đó đưa tin Tổng thống Trump đã dự định phát biểu nhưng cuối cùng Nhà Trắng nói rằng nhà lãnh đạo sẽ ra thông báo vào ngày hôm sau.
Các cố vấn soạn thảo và chỉnh sửa bài phát biểu nhiều lần trước khi Tổng thống Trump sửa lại lần cuối ngay trước khi lên bục vào lúc 11 giờ 30 ngày 8.1 (23 giờ 30 cùng ngày, giờ Việt Nam), nói rằng: "Mỹ đã chuẩn bị mọi thứ nhưng Tehran dường như đang xuống nước và điều đó tốt cho tất cả các bên liên quan và cả thế giới".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.