Tương lai nào cho 10.000 nhà khoa học hạt nhân Triều Tiên?
15/05/2018 16:48 GMT+7
Trong lúc Triều Tiên đang có những hành động tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân, số phận của khoảng 10.000 nhà khoa học tham gia chương trình này vẫn là một ẩn số.
Tự động phát
Dựa trên ảnh vệ tinh, trang 38 North hôm 15.5 đã phát hiện chứng cứ xác thực đầu tiên cho thấy quá trình giải giới hạt nhân tại bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên đang bắt đầu được triển khai.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ mất nhiều thời gian hơn nhiều người hy vọng, một phần do chưa rõ sự tương lai của các nhà khoa học vốn đóng vai trò cốt lõi trong chương trình phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tờ The Korea Times dẫn lời giới chuyên gia Hàn Quốc và các nước khác cho biết “việc tháo gỡ bộ não”, bao gồm 200 nhà lãnh đạo trung ương, 2.000 chuyên gia và 6.000 kỹ thuật viên, cũng phải được tiến hành song song với việc dỡ bỏ bãi thử Punggye-ri, theo dự kiến là vào 23-25.5.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người xem đội ngũ nhà khoa học này “là con bài cuối cùng của Bình Nhưỡng”, sẽ có cách giải quyết thế nào.
Khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Bình Nhưỡng gặp ông Kim vào tháng 5, Washington yêu cầu Bình Nhưỡng chuyển các nhà khoa học ra nước ngoài và phá hủy dữ liệu về chương trình vũ khí hạt nhân, theo tờ Asahi Shimbun hôm 10.5.
Lý do là chính quyền Tổng thống Donald Trump lo ngại nếu đội ngũ chuyên gia vẫn còn, Bình Nhưỡng có thể khởi động lại chương trình hạt nhân.
Trong khi đó, văn phòng tổng thống Hàn Quốc hôm 14.5 tuyên bố Bình Nhưỡng phải “xử lý vĩnh viễn vũ khí hạt nhân hoặc chuyển rác hạt nhân sang một nước thứ ba”, trong đó Seoul và Washington đặc biệt yêu cầu miền Bắc phải loại bỏ rác hạt nhân.
Các nhà phân tích cho Bình Nhưỡng sẽ tận dụng nỗ lực giải giới hạt nhân để thu hút nguồn đầu tư nước ngoài và cải thiện kinh tế trong nước. Nếu Triều Tiên vẫn nắm “át chủ bài” là các nhà khoa học hạt nhân, phương Tây luôn tồn tại tâm lý quan ngại rằng sẽ đến lúc Bình Nhưỡng quay lại con đường cũ trong trường hợp không thu hút đủ luồng đầu tư chảy vào nước này.
Lịch sử cho thấy việc kiểm soát công nghệ nguyên tử bao gồm đảm bảo các nhà khoa học hạt nhân không sử dụng chuyên môn của mình để tiếp tục chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt.
|
Bình luận (0)