Uy lực đoàn tàu tử thần của Nga

25/11/2016 14:00 GMT+7

Nga đang nỗ lực tăng cường kho vũ khí quân đội với việc khôi phục những đoàn tàu hạt nhân có thể mang theo tên lửa liên lục địa.

Những kế hoạch xoay quanh cái gọi là “hệ thống tên lửa chiến đấu trên đường ray” đang chuyển sang giai đoạn mới trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và các quốc gia NATO tiếp tục leo thang đến ngưỡng có thể bùng nổ chiến tranh.
Đoàn tàu “tàng hình”
Hãng thông tấn Interfax dẫn các nguồn tin quân sự cho hay những đoàn tàu có tên Barguzin này có thể mang theo tối đa 6 tên lửa đạn đạo Yars hoặc Yars-M gắn đầu đạn nhiệt hạch và các bệ phóng kèm theo. Đây là dòng tên lửa mang theo tổng cộng 4 đầu đạn với sức công phá 250 kiloton, và tầm bắn trên 10.900 km.
Một khi hệ thống này được triển khai một cách hoàn chỉnh, nóc toa tàu sẽ mở ra và tên lửa được nâng lên theo hướng thẳng góc với mặt đất trước khi được khai hỏa và rời bệ phóng lao đến mục tiêu. Kế hoạch xây dựng hệ thống tên lửa di động trên đường ray đã được công bố khoảng 2 năm trước, và giai đoạn thử nghiệm ban đầu đã cho kết quả vô cùng khả quan.
Theo hãng tin Sputnik News dẫn nguồn thạo tin, những cuộc thử nghiệm ban đầu đã được thực hiện tại sân bay vũ trụ Plesetsk ở phía tây bắc Nga cách đây khoảng 2 tuần. Nguồn tin khẳng định: “Những vụ thử nghiệm hoàn toàn thành công, mở đường cho giai đoạn bắn thử trên thực tế”.
Dự kiến, vũ khí này nhiều khả năng sẽ được bắn thử vào năm 2017, hứa hẹn đưa các đoàn tàu tên lửa vào biên chế sớm nhất là năm 2018. Thượng tướng Sergei Karakayev, tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Nga, cho biết hệ thống vũ khí mới sẽ có thể hoạt động đến năm 2040.
Theo truyền thông Nga, hệ thống này được ví là đoàn tàu “tàng hình” bởi nó được ngụy trang thành các đoàn tàu chở khách và tàu hàng thông thường, khiến việc phát hiện tung tích của nó là gần như bất khả. Hồi năm ngoái, tờ nhật báo Rossiyskaya Gazeta đưa tin đoàn tàu hạt nhân có thể di chuyển tối đa gần 1.000 km/ngày, và được giấu trong các đường hầm để tránh khỏi tầm quan sát của máy bay trinh sát hoặc trực thăng.
Tuy nhiên đến nay giới truyền thông Nga tiết lộ tầm hoạt động tối đa của đoàn tàu là 2.400 km/ngày. Trước đó, thượng tướng Karakayev đã trình bày với giới truyền thông rằng Barguzin có năng lực hơn xa dòng vũ khí trước đây về khoản chính xác, tầm bắn và uy lực của các tên lửa.

tin liên quan

Những chiến binh thép của Nga
Moscow đã thử nghiệm thành công robot chiến đấu mới có khả năng bảo vệ các tên lửa chủ chốt của Lực lượng tên lửa chiến lược Nga.
Hậu duệ của “đoàn tàu ma”
Theo phía Nga, hệ thống Barguzin dựa trên hệ thống phóng tương tự được phát triển vào thời Chiến tranh lạnh, theo đó các đoàn tàu được thiết kế để phóng tên lửa RT-23 Molodets (NATO gọi là Scalpel) từ một toa tàu giống như toa lạnh. Phương Tây gọi đây là những “đoàn tàu ma”. Tổng cộng 12 xe lửa đã được triển khai từ năm 1987 tại các vùng Kostroma, Perm và Krasnoyarsk, mỗi đoàn tàu mang theo 3 tên lửa hạt nhân với trọng lượng hơn 100 tấn/quả.
Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, công tác sản xuất dòng vũ khí này tại Ukraine đã bị ngưng trệ. Những tên lửa cuối cùng trên đường ray đã không còn được sử dụng trong quân đội Nga từ năm 2005. Trong khi đó, tên lửa được triển khai trên đoàn tàu thế hệ mới nặng không đến 47 tấn, làm cho việc lắp ráp trở nên dễ dàng hơn.
Hãng tin Sputnik News dẫn lời chuyên gia quốc phòng Nga Victor Murakhovsky nhận định những đoàn tàu Barguzin sẽ trở thành cơn ác mộng thực sự đối với giới tình báo nước ngoài.
Vào thời Chiến tranh lạnh, chính Lầu Năm Góc cũng phát hiện sự lợi hại của các đoàn tàu hạt nhân và nỗ lực chế tạo hệ thống tương tự nhưng sau đó đành bỏ cuộc, theo chuyên gia Nga. “Thậm chí có ý tưởng lắp ráp đường ray ngầm dưới đất và đặt bệ phóng ở đó”, theo ông Murakhovsky. Thế nhưng, mọi ngân sách đổ vào dự án đã trở nên công cốc và người Mỹ không tạo ra được bất cứ thứ gì tương đồng với dòng vũ khí hỏa xa của đối thủ.
Vũ khí vô hiệu hóa thiết bị bay
Trang RBTH ngày 23.11 đưa tin nhà thầu quân sự Nga United Instrument Manufacturing Corporation đang chế tạo loại vũ khí mới có khả năng vô hiệu hóa hệ thống vô tuyến điện tử của thiết bị bay không người lái, biến chúng thành mẩu sắt vụn. Đây được xem là cách đối phó khái niệm “hệ thống bầy đàn” (Swarm) đang được phía Mỹ nghiên cứu và phát triển.
Ý tưởng của hệ thống này khá đơn giản: làm rối loạn hệ thống phòng không của kẻ địch bằng cách tạo ra sự nhiễu loạn. Theo đó, mỗi thiết bị là một đơn vị chiến đấu tự lái, được trang bị bất cứ loại vũ khí nào, từ tên lửa cỡ nhỏ đến thiết bị điện tử, và tất cả phối hợp hoạt động như một thực thể duy nhất. Nhờ tính “bầy đàn” nên một khi tiếp cận được mục tiêu, Swarm hầu như không thể nào bị cản bước. Tuy nhiên, loại vũ khí mới nói trên sẽ cho phép phía Nga phá hủy Swarm từ xa bằng thiết bị tấn công điện từ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.