Vắc xin ngừa Covid-19 trước nguy cơ 'kẻ thiếu người thừa'

Văn Khoa
Văn Khoa
24/02/2021 07:13 GMT+7

WHO cảnh báo tình trạng nước giàu đặt mua dư vắc xin Covid-19 khiến nước nghèo có nguy cơ thiếu hàng, giữa lúc có cả những thỏa thuận cung cấp vắc xin bị cho là chính trị hóa.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua 23.2 lo ngại một số nước giàu đặt mua vắc xin Covid-19 trực tiếp với các hãng dược, đồng nghĩa số phần phân phối vắc xin cho các nước nghèo, thông qua sáng kiến chia sẻ vắc xin toàn cầu Covax, đang bị giảm.
“Một số nước có thu nhập cao thực tế đang tiếp cận các hãng dược để đảm bảo có nhiều vắc xin hơn… và số lượng được phân phối cho Covax bị giảm vì tình trạng này. Chúng ta chỉ có thể cung cấp được vắc xin cho những nước nghèo là thành viên của Covax nếu các nước có thu nhập cao hợp tác trong việc tôn trọng các thỏa thuận Covax đã ký”, AFP dẫn lời ông Tedros nhấn mạnh.
Ông cho hay hiện đã có tiền để mua vắc xin cho một số nước nghèo nhất, sau khi có sự đóng góp mới từ Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Đức, nhưng số tiền đó chẳng có giá trị nếu không có vắc xin để mua. Ông kêu gọi những nước giàu xem lại liệu những thỏa thuận mua vắc xin Covid-19 của họ với các hãng dược có đang làm suy yếu Covax hay không.

Tân Tổng giám đốc WTO: bất bình đẳng vắc xin Covid-19 là 'vô lương tâm'

Hồi tuần trước, Chiến dịch ONE, một tổ chức do ca sĩ Bono thuộc ban nhạc rock U2 (Ireland) đồng sáng lập, cho hay các nước thuộc G7 (gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản) cùng với phần còn lại của EU và Úc đã mua dư tổng cộng gần 1,25 tỉ liều vắc xin Covid-19.
Bên cạnh đó, hiện có quan ngại rằng vắc xin Covid-19 có thể bị dùng làm công cụ tạo ảnh hưởng. Ngày 3.2, Trung Quốc thông báo kế hoạch cung cấp 10 triệu liều vắc xin Covid-19 cho các nước đang phát triển thông qua Covax sau khi đã hứa tặng loại vắc xin này cho một số nước, trong đó có Campuchia, Myanmar và Philippines. Việc Trung Quốc sẵn sàng cung cấp vắc xin Covid-19 trên toàn cầu được cho là nhằm thể hiện sự hào phóng, sức mạnh khoa học và gia tăng danh tiếng, theo tờ The New York Times. Đáp lại, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 17.2 khẳng định Bắc Kinh không bao giờ đeo đuổi các mục tiêu địa chính trị hay lợi ích kinh tế trong hợp tác quốc tế về vắc xin Covid-19, theo Hoàn Cầu thời báo.
Trong khi đó, số liệu từ trang Our World in Data (OWID) cho thấy tỷ lệ dân số ở Trung Quốc được tiêm vắc xin lại rất thấp, khi có chưa đến 3 liều vắc xin được dùng cho 100 người dân, tính đến ngày 9.2. Tỷ lệ tương ứng ở Nga là 2,67, tính đến ngày 10.2. Đó là số liệu mới nhất về tình hình tiêm vắc xin ở Trung Quốc và Nga được OWID cập nhật. Số liệu ở những nước có tỷ lệ cao nhất được cập nhật đến ngày 21.2. Theo đó, Israel có tỷ lệ cao nhất (85,01), kế đến là UAE (56,16), Anh (28,81, tính đến ngày 20.2) và Mỹ (18,86).

Mỹ vượt nửa triệu ca tử vong vì Covid-19, Tổng thống Biden nói gì?

“Cột mốc đau lòng” của Mỹ
Theo cập nhật của Đại học Johns Hopkins hôm qua, tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ đã vượt mốc 500.000 người, nhiều hơn số lính Mỹ tử nạn trong hai cuộc chiến tranh thế giới và chiến tranh Việt Nam cộng lại. Phát biểu tại lễ tưởng niệm ở Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden gọi đây là “cột mốc nghiệt ngã, đau lòng” và ra lệnh treo cờ rủ tại các tòa nhà liên bang trong 5 ngày.
Mỹ là nước có số người tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới, chiếm 20% của khoảng 2,5 triệu người tử vong trên toàn cầu. Theo AP, kể từ những trường hợp đầu tiên được xác định vào đầu tháng 2.2020, Mỹ ghi nhận ca tử vong thứ 100.000 sau đó 4 tháng. Tính đến tháng 12.2020, con số chạm mốc 300.000 người và thêm 200.000 người tử vong trong 2 tháng qua.
Số ca tử vong trung bình hằng ngày đã giảm xuống trong vài tuần qua, từ hơn 4.000 ca mỗi ngày trong một số thời điểm hồi tháng 1, xuống còn 1.900 ca mỗi ngày hiện nay.
Vi Trân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.