Vì sao đại dịch lẽ ra đã chấm dứt, không thê thảm như hiện tại

Khánh An
Khánh An
04/05/2021 19:15 GMT+7

Hy vọng đại dịch sớm chấm dứt đang xa dần khi nhiều nước chứng kiến làn sóng lây nhiễm, chết chóc ghê gớm nhất kể từ đầu dịch.

Cách đây một năm, khi đại dịch Covid-19 vẫn còn ở giai đoạn ban đầu, người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhấn mạnh một câu có vẽ đơn giản nhưng mang ý nghĩa sống còn: cách tiếp cận toàn cầu là cách thoát dịch duy nhất.
“Đường để đi tới trước là đoàn kết, đoàn kết ở cấp độ quốc gia và cấp độ toàn cầu”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại một cuộc họp báo vào tháng 4.2020.

Bức tranh ảm đạm

Sau đó 12 tháng, Ấn Độ chứng kiến cảnh chết chóc đau lòng, bệnh viện quá tải, thiếu ô xy, thiếu giường bệnh, và hàng ngàn người chết mỗi ngày. Điều này cho thấy thế giới đã bỏ quên câu cảnh báo của ông Tedros.
Ấn Độ không phải là điểm nóng Covid-19 duy nhất. Thổ Nhĩ Kỳ vừa phong tỏa toàn quốc vào tuần trước, sau khi số ca mắc vọt lên tốp đầu tại châu Âu.
Tại Trung Đông, Iran ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 trong ngày cao nhất tại nước này vào ngày 3.5, với nhiều thành phố phong tỏa một phần để chống làn sóng lây nhiễm thứ 4 của đại dịch.
Bức tranh Covid-19 tại Nam Mỹ cũng ảm đạm. Brazil với hơn 14,5 triệu ca mắc và gần 400.000 ca tử vong đang tiếp tục ghi nhận số ca tử vong bình quân trên dân số ở mức cao nhất thế giới.

Hộ chiếu Covid-19 có phân biệt đối xử?

Trong khi một số nước phương Tây đang nhắm đến việc trở lại cuộc sống bình thường trong vài tuần tới, tình hình chung toàn cầu vẫn đang nguy cấp. Số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu tăng 9 tuần liên tiếp, còn số tử vong tăng 6 tuần liên tiếp.
“Để dễ so sánh, số ca mắc toàn cầu trong tuần qua cao gần bằng con số của cả 5 tháng đầu của đại dịch”, theo ông Tedros.

“Mất cân đối gây sốc”

Trong khi đó, các nước phương Tây bị chỉ trích vì trữ vắc xin. Một số nước như Mỹ, Canada và Anh thậm chí còn đặt hàng với số liều vắc xin vượt mức cần thiết.
Tại Mỹ, người 16 tuổi trở lên được tiêm vắc xin Covid-19 và 30% dân số đã được tiêm. Nhà Trắng cho biết sẽ quyên góp 60 triệu liều vắc xin của AstraZeneca mà nước này đã lưu kho nhưng chưa chứng nhận để sử dụng.

Một trung tâm tiêm vắc xin khá vắng vẻ ở California, Mỹ

AFP

Dòng người chen chúc xếp hàng chờ tiêm vắc xin ở Ấn Độ

Ảnh: AFP

Hơn phân nửa dân số Israel đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin và nước này đang nới lỏng phong tỏa.
Trong khi đó, chỉ 0,2% trong số hơn 700 triệu liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm trên toàn cầu là ở các nước thu nhập thấp, trong khi các nước thu nhập cao và trung bình cao chiếm 87% số liều, theo ông Tedros.
Tại các nước thu nhập thấp, bình quân chỉ 1 trong số 500 người được tiêm vắc xin, so với tỷ lệ 1 trong 4 người ở các nước thu nhập cao, một sự tương phản mà ông Tedros mô tả là “mất cân đối nghiêm trọng”.
Cần nỗ lực toàn cầu
Theo giáo sư Dale Fisher chuyên về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Singapore, trong đại dịch, thế giới cần học bài học về cải thiện hạ tầng tại các nước thu nhập thấp. “Chúng ta cần nhiều trung tâm lớn, sản xuất vắc xin khắp châu Phi, Đông Nam Á và Nam Mỹ có thể phát triển các vắc xin quy mô lớn và chẩn đoán, điều trị” ông nhận định.
Tương tự, chuyên gia Michael Head tại Đại học Southampton (Anh) cho rằng cần tăng cường năng lực nghiên cứu và sản xuất trên toàn cầu nhằm kiểm soát các đại dịch trong tương lai. “Vấn đề là những người có quyền lực đa số là chính phủ các quốc gia. WHO đã ra hướng dẫn nhưng tổ chức này không có nhiều quyền hành. Và chính WHO nỗ lực về các vấn đề như đảm bảo công bằng và bảo vệ thế giới tối đa. “Rõ ràng là chính phủ các nước hành động vì lợi ích của người dân nước họ. Khi xảy ra đại dịch, thế giới hoàn toàn ích kỷ, ở một góc độ nào đó điều này là hợp lý vì họ chăm sóc người dân của họ trước”, ông phân tích, đồng thời cho rằng chính điều này khiến đại dịch khó chấm dứt sớm trên quy mô toàn cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.