Theo Bloomberg ngày 21.9, châu Phi là lục địa có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp nhất và là nơi xuất hiện nhiều biến chủng SARS-CoV-2, trong đó có Beta ở Nam Phi, Eta tại Nigeria và gần đây nhất là C.1.2 tại Nam Phi.
Giờ đây, giới khoa học cho rằng nguyên nhân có thể là do châu Phi có nhiều người có khả năng miễn dịch kém.
Một nghiên cứu đối với một phụ nữ nhiễm HIV ở Nam Phi cho thấy bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 đến 216 ngày và virus biến đổi đáng kể trong thời gian đó.
Theo giáo sư Tulio de Oliveira đứng đầu 2 viện về phân tích trình tự gien tại 2 trường đại học ở Nam Phi, virus đột biến đến 30 lần ở bệnh nhân này.
Nam Phi là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi HIV, với khoảng 8,2 triệu người sống với virus này. Nhiều nước láng giềng như Botswana, Zimbabwe và Eswatini cũng có tỷ lệ nhiễm HIV cao. Trong khi nhiều người uống thuốc kháng HIV, một số người vẫn không uống nên có tải lượng virus ở mức cao.
Bên cạnh HIV, châu Phi còn có tỷ lệ lao phổi cao, cùng với tình trạng nghèo khiến nhiều người có sức khỏe kém và thiếu sức đề kháng đối với các bệnh lây nhiễm. SARS-CoV-2 càng dễ đột biến khi tồn tại lâu trong cơ thể.
“Có chứng cứ cho thấy lây nhiễm kéo dài ở những người có hệ miễn dịch yếu là cơ chế khiến các biến chủng SARS-CoV-2 xuất hiện”, theo ông de Oliveira.
Đây được cho là lý do để đẩy mạnh tiêm vắc xin tại một lục địa với 1,2 tỉ người và chỉ một tỷ lệ nhỏ đã tiêm đủ 2 mũi. Tỷ lệ tiêm vắc xin cao giúp cắt giảm tình trạng lây lan và ngăn chặn bệnh kéo dài, hạn chế cơ hội virus biến đổi.
“Những người có hệ miễn dịch yếu sẽ nhiễm bệnh lâu hơn và virus tiến hóa dễ dàng hơn. Việc tiêm vắc xin cho người nhiễm HIV cần được tiến hành nhanh chóng”, theo bà Glenda Gray, chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu y khoa Nam Phi.
Bình luận (0)