Hải quân và Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ ngày 12.5 tuyên bố chính thức đưa vào hoạt động cơ sở phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis trên bờ tại Romania. Cơ sở phòng thủ tên lửa Aegis loại trên bờ tại Deveselu (Romania) là một phần của chương trình Tiếp cận châu Âu thích ứng từng giai đoạn (European Phased Adaptive Approach - EPAA), được lập ra để bảo vệ các nước NATO trước các mối đe doạ tên lửa đạn đạo từ Trung Đông (Iran), theo Hải quân Mỹ.
Chương trình EPAA được chính quyền Tổng thống Barack Obama lập ra vào năm 2009 gồm 3 giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2018. Giai đoạn thứ 4 dự kiến bắt đầu vào năm 2022 nhưng bị huỷ bỏ hồi tháng 3.2013, theo tổ chức Arms Control.
Hệ thống phòng thủ tên lửa ở Romania: Giá trị mới của kế hoạch cũ
Bất chấp sự phản đối của Nga, NATO đã triển khai xây dựng và đưa
vào hoạt động trạm phòng thủ tên lửa đặt trên lãnh thổ Romania.
EPAA còn bao gồm một cơ sở Aegis tương tự đang được xây tại Ba Lan và dự kiến hoạt động vào năm 2018, cùng 4 tàu khu trục lớp Arleigh Burke trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis được triển khai tại châu Âu, theo USNI News ngày 12.5.
Việc khánh thành cơ sở Aegis ở Romania nằm trong giai đoạn 2 của chương trình EPAA. Trong giai đoạn này, Mỹ sẽ tăng số lượng các tên lửa đánh chặn trên các tàu chiến có hệ thống Aegis. Trong năm tài khoá 2015-2017, Hải quân Mỹ dự tính có 32 tàu chiến sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis.
Cơ sở Aegis trên bờ ở Deveselu bao gồm 1 radar tầm xa SPY-1D kết nối với 3 dàn phóng tên lửa đánh chặn Mark-41. Hệ thống Mark-41 dạng phóng thẳng đứng này thường đặt trên các tàu khu trục của hải quân Mỹ và dùng để phóng tên lửa hành trình Tomahawk.
Vì lý do này mà các chuyên gia quốc phòng Nga lo ngại Mỹ sẽ chuyển mục đích sử dụng, phóng các tên lửa hành trình vào các mục tiêu ở Nga, theo đài RT (Nga). Tuy nhiên, mối lo này có vẻ là hơi thừa vì Mỹ bị cấm triển khai tên lửa Tomahawk ở châu Âu, dựa theo Hiệp ước tên lửa tầm trung mà nước này ký với Nga vào năm 1987.
|
Mỗi hệ thống Mark-41 gồm 8 ống phóng thẳng đứng với các tên lửa SM-3. Cơ sở ở Romania được cho sở hữu 24 tên lửa loại này, mỗi quả trị giá từ 12-15 triệu USD. Trong giai đoạn 2 này, Mỹ cũng dự kiến mua thêm 100 tên lửa SM-3 phiên bản IB để triển khai cùng 139 tên lửa SM-3 phiên bản IA.
Theo hãng sản xuất quốc phòng Raytheon, tên lửa SM-3 là loại vũ khí tự vệ, thiết kế cho các tàu hải quân chống tên lửa đạn đạo tầm trung. Sau khi được phóng, tên lửa này sẽ bay trên bầu khí quyển và tiêu diệt đầu đạn của tên lửa mục tiêu.
Tên lửa này không sử dụng đầu đạn nổ mà dựa vào động năng để va chạm và tiêu diệt tên lửa mục tiêu. Với tốc độ 3 km/giây, cú va chạm giữa 2 tên lửa tương đương với lực tác động của một chiếc xe tải 10 tấn chạy ở tốc độ 965 km/giờ. Cơ sở phòng thủ tên lửa tại Romania là nơi đầu tiên sử dụng tên lửa SM-3 phóng từ mặt đất.
Trong khi đó, radar SPY-1D có khả năng tìm kiếm, phát hiện, theo dõi nhiều loại mục tiêu từ máy bay cho đến tên lửa. Bên cạnh đó, hệ thống kiểm soát hoả lực MK-99 sẽ làm nhiệm vụ cầu nối giữa radar và tên lửa đánh chặn, liên lạc với trạm kiểm soát tên lửa, thông báo mối đe doạ sắp tới và hiển thị mục tiêu để tên lửa đánh chặn tiêu diệt.
|
Bên cạnh mối lo ngại tên lửa, Nga còn sợ rằng Mỹ sẽ dùng radar của hệ thống Aegis để theo dõi các hoạt động của máy bay và việc thử tên lửa trong không phận Nga.
Với mục đích chính là phòng thủ, ngăn ngừa mối đe doạ tên lửa tầm ngắn và tầm trung từ Iran, các cơ sở Aegis trên bờ của Mỹ tại Romania và Ba Lan bị quan chức Nga nhiều lần chỉ trích là gây hại đến các hệ thống vũ khí chiến lược của Nga.
Tuy nhiên, Hải quân Mỹ bác bỏ quan điểm này và nói rằng hợp tác với Nga là điều quan trọng đối với sự ổn định khu vực và an ninh toàn cầu. Mỹ cũng cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa này không có khả năng ngăn chặn các tên lửa liên lục địa trong kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga.
Bình luận (0)