Vòng xoáy khắc nghiệt của dịch Covid-19 ở Mỹ

13/04/2021 06:20 GMT+7

Bất chấp nỗ lực tiêm phòng dịch Covid-19 trên toàn quốc, một số tiểu bang Mỹ đang “đi chệch hướng”, khiến số ca mới và những trường hợp nhập viện tăng tuần thứ 3 liên tiếp.

Tính đến ngày 11.4, Mỹ đã tiêm hơn 187 triệu liều vắc xin Covid-19 và phân phối gần 238 triệu liều trên toàn quốc, theo Reuters dẫn số liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). Tổng cộng đã có 119.242.902 người Mỹ được tiêm ít nhất một liều, trong khi 72.630.892 người được tiêm đủ liều.
Cũng trong tuần rồi, dữ liệu của Đại học Johns Hopkins cho thấy trung bình mỗi ngày Mỹ lại có thêm hơn 68.000 ca Covid-19 mới trên toàn quốc, tức tăng hơn 20% so với mức trung bình 7 ngày trong tuần kể từ hôm 10.3.

Đường đua sống - chết

Theo CDC, trong lúc số ca Covid-19 tiếp tục tăng, ngày càng có nhiều người Mỹ tuổi từ 18 - 64 phải được điều trị ở khu chăm sóc đặc biệt (ICU) vì các biến chứng phức tạp của Covid-19. Các tiểu bang bị dịch nghiêm trọng bao gồm Florida, nơi có số ca biến thể của Covid-19 là B.1.1.7 (lần đầu tiên phát hiện ở Anh tháng 10.2020) cao nhất tại Mỹ. Kế đến là Michigan và Ohio.

Tổng thống Biden tăng tốc kế hoạch tiêm chủng vắc xin Covid-19

Ông Mike DeWine, Thống đốc bang Ohio, cho biết số trường hợp nhập viện và điều trị ở ICU tại tiểu bang này cũng gia tăng. “Chúng ta đang đi chệch theo hướng xấu. Hơn phân nửa số hạt của Ohio đang chứng kiến dịch bệnh lan nhanh”, Đài CNN dẫn lời Thống đốc DeWine.
Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn có thể thay đổi xu hướng tiêu cực này nếu mở rộng chiến dịch tiêm vắc xin trên toàn tiểu bang. “Chúng ta đang trên đường đua, một cuộc đua giữa sự sống và cái chết”, ông DeWine nhấn mạnh.
Tại Michigan, Thống đốc Gretchen Whitmer tiếp tục kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden hãy gửi thêm vắc xin cho tiểu bang này. Michigan gần đây trở thành điểm nóng Covid-19 ở Mỹ. Số ca mới trung bình theo ngày đã tăng gấp 7 lần so với tháng 2, và 9 trong 10 đô thị có nhiều ca Covid-19 mới nhất tính theo đầu người đều tập trung ở Michigan. Các hệ thống bệnh viện đang trong tình trạng quá tải. Thế nhưng, Nhà Trắng hồi cuối tuần trước đã bác bỏ khả năng tăng cường vắc xin cho Michigan so với mức đã lên kế hoạch.

Biến chủng Nam Phi nguy hiểm

Trong khi B.1.1.7 trở thành biến chủng Covid-19 phổ biến nhất tại Mỹ từ đầu tháng 4, các chuyên gia Israel cảnh báo biến chủng Nam Phi (B.1.351) có thể vô hiệu hóa một số năng lực bảo vệ của vắc xin thuộc về liên danh Pfizer/BioNTech, theo Đài CNBC hôm 12.4. Đội ngũ nghiên cứu của Đại học Tel Aviv và Clalit (tổ chức chăm sóc sức khỏe lớn nhất Israel) đã kiểm tra sức khỏe gần 400 người có kết quả dương tính với Covid-19 dù đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin trên.

Thêm một "nạn nhân" của đại dịch Covid-19: sốt cà chua

Nhóm chuyên gia phát hiện số trường hợp biến chủng Nam Phi ở những bệnh nhân tiêm đủ liều vắc xin cao hơn gấp 8 lần so với nhóm chưa được tiêm. Dựa vào kết quả nghiên cứu, họ kết luận B.1.351 có năng lực “chọc thủng” lá chắn phòng vệ của vắc xin Pfizer/BioNTech so với chủng ban đầu. Cuộc nghiên cứu này vẫn chưa được bình duyệt.
Trong khi đó, chuyên san JAMA dẫn báo cáo do nhà nghiên cứu Rachel Kidman của Đại học Stony Brook (Mỹ) cho thấy số trẻ em Mỹ từ 17 tuổi trở xuống bị mồ côi cha hoặc mẹ vì dịch Covid-19 đến nay đã chạm mốc 43.000 em, cao hơn hẳn so với thời điểm xảy ra thảm kịch 11.9.2001.
Mỹ nhấn mạnh phải tìm ra nguồn gốc Covid-19
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua chỉ trích Trung Quốc không minh bạch thông tin về dịch Covid-19 và đề nghị phải “đào sâu đến tận cùng” để xác định được nguồn gốc vi rút SARS-CoV-2.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài NBC ngày 12.4, ông Blinken nói Trung Quốc không cho phép các chuyên gia y tế thế giới tiếp cận hoặc chia sẻ thông tin thời gian thực để đảm bảo sự minh bạch. “Kết quả là vi rút đã thoát khỏi tầm kiểm soát với tốc độ nhanh hơn, gây ra hậu quả nặng nề hơn”, theo ông Blinken.
Bình luận của ông Blinken phản ánh quan điểm chung của chính phủ Tổng thống Joe Biden là chỉ trích Bắc Kinh thiếu minh bạch trong giai đoạn then chốt ban đầu của dịch Covid-19. Mỹ đang kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc dịch Covid-19 sau khi báo cáo gần đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về chuyến công tác Trung Quốc chỉ đưa ra một loạt giả thuyết về vi rút SARS-CoV-2.
Phúc Duy
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.