Vũ khí Mỹ bán cho Đài Loan nguy hiểm cho Trung Quốc đến mức nào?

Văn Khoa
Văn Khoa
28/11/2020 19:13 GMT+7

Giới chuyên gia cho rằng những loại tên lửa Mỹ định bán cho Đài Loan có khả năng tấn công bờ biển phía đông Trung Quốc và nằm trong chiến lược của Washington đối phó Bắc Kinh.

Chỉ trong vòng 2 tuần, Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng (DSCA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ 3 lần thông báo 5 gói bán vũ khí cho Đài Loan đã được Bộ Ngoại giao Mỹ phê chuẩn, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự xung quanh vùng lãnh thổ này.
Lần gần nhất là vào ngày 4.11, DSCA thông báo gói bán 4 chiếc máy bay không người lái (UAV) tiên tiến MQ-9B cùng các thiết bị liên quan, với tổng trị giá 600 triệu USD. DSCA nhấn mạnh gói bán UAV phục vụ những lợi ích an ninh, kinh tế và quốc gia của Mỹ bằng cách hỗ trợ Đài Loan không ngừng nỗ lực hiện đại hóa các lực lượng phòng vệ và khả năng phòng thủ đáng tin cậy, theo hãng tin CNA.

Lợi hại của MQ-9B

Bình luận về MQ-9B, nhà nghiên cứu Tô Tử Vân thuộc Viện Nghiên cứu an ninh và quốc phòng ở Đài Loan cho rằng một khi nhận được UAV này, đây sẽ là lần đầu tiên lực lượng phòng vệ Đài Loan sở hữu UAV có khả năng giám sát lẫn tác chiến.
MQ-9B cũng có thể được triển khai để theo dõi những khí tài quân sự Trung Quốc vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan, giúp giảm áp lực cho các phi công Đài Loan làm nhiệm vụ này, theo CNA dẫn một nguồn tin cho hay. Trong thời gian gần đây, máy bay quân sự Trung Quốc thường xuyên bay vào ADIZ phía tây nam Đài Loan.

Máy bay không người lái MQ-9B của Mỹ

Không quân Mỹ

Ngoài ra, nhà nghiên cứu Tạ Phái Học thuộc Viện Nghiên cứu an ninh và quốc phòng ở Đài Loan nhận định MQ-9B có những kết nối liên lạc qua vệ tinh mà chỉ được chia sẻ giữa các đồng minh của Mỹ, đồng nghĩa lực lượng phòng vệ Đài Loan và quân đội Mỹ có thể lập tức chia sẻ thông tin tình báo về chiến trường, cung cấp cơ hội cho hai bên hợp tác gần gũi trong thời chiến.
Chẳng hạn, nếu xảy ra xung đột hai bên bờ eo biển Đài Loan, Washington có thể tận dụng lợi thế của hệ thống tên lửa chống hạm được triển khai dọc chuỗi đảo thứ nhất để ngăn chặn tàu của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) vào vùng biển phía đông Đài Loan nhằm phong tỏa vùng lãnh thổ này. Chuỗi đảo này trải dài từ đảo Kyushu của Nhật Bản tới Đài Loan và Philippines. Lâu nay, Bắc Kinh cho rằng Mỹ dùng “chuỗi đảo thứ nhất” để kiềm chế Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post.
MQ-9B còn có khả năng giám sát tầm xa với thời gian dài, nên có thể bay gần các tàu Trung Quốc để cung cấp thông tin tình báo quan trọng cho Mỹ về những tàu đó. Nếu các lực lượng PLA vượt qua chuỗi đảo thứ nhất và bắt đầu phong tỏa Đài Loan, MQ-9B cũng có thể cung cấp thông tin tình báo cho lực lượng Mỹ để họ có thể điều oanh tạc cơ và chiến đấu cơ nhắm vào các tàu PLA để giảm áp lực cho những đơn vị Đài Loan đang chống các lực lượng PLA.

Tăng khả năng phản công

Bên cạnh gói bán UAV MQ-9B, DSCA ngày 26.10 thông báo gói bán 100 hệ thống phòng thủ Harpoon, 400 tên lửa diệt hạm Harpoon Block II RGM-84L-4 cùng hệ thống hỗ trợ liên quan, với trị giá 2,37 tỉ USD. Sau đó, DSCA thông báo gói bán vũ khí này, giới chức Đài Loan khẳng định tên lửa diệt hạm Harpoon Block II RGM-84L-4 sẽ giúp Đài Bắc đạt mục tiêu có thể phá hủy phân nửa bất kỳ lực lượng xâm nhập của PLA trong 5 năm, theo tờ South China Morning Post.
Ngoài ra, nhà nghiên cứu Tô Tử Vân thuộc Viện Nghiên cứu an ninh và quốc phòng ở Đài Loan cho rằng mỗi hệ thống Harpoon có thể mang 16 tên lửa, tương đương hỏa lực của hai tàu hộ vệ và có khả năng “xóa sổ” các tàu xâm nhập của PLA ngoài khơi.

Hệ thống phòng thủ Harpoon

Cắt từ clip

Trước đó, vào ngày 21.10, DSCA thông báo 3 gói bán vũ khí cho Đài Loan, với tổng trị giá 1,8 tỉ USD. Các gói bán vũ khí gồm có 135 quả tên lửa hành trình tấn công tầm xa AGM-84H SLAM-ER, 64 tên lửa chiến thuật M57, 6 bộ cảm biến MS-110 và những thiết bị, dịch vụ liên quan khác. Giới chuyên gia đặc biệt chú ý tên lửa AGM-84H và M57.
Trong thông báo, DSCA không xác định loại chiến đấu cơ nào sẽ được Đài Loan dùng để triển khai AGM-84H. Tuy nhiên, theo báo Defense News, gần như chắc chắn AGM-84H sẽ được trang bị cho đội chiến đấu cơ F-16. AGM-84H có thể mang lại cho các chiến đấu cơ F-16 tấn công chính xác các mục tiêu cố định hoặc di động từ khoảng cách hơn 241 km, vượt xa chiều rộng 180 km của eo biển Đài Loan.

[VIDEO] Mỹ thông qua hợp đồng bán vũ khí 1,8 tỉ USD cho Đài Loan

Tương tự, tên lửa chiến thuật M57 là tên lửa đất đối đất, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. M57 có thể được phóng bằng hệ thống báo phản ứng cơ động cao (HIMARS), với tầm bắn tối đa 305 km và trong gói bán vũ khí liên quan tên lửa này có 11 bệ phóng HIMARS. M57 có đầu đạn nặng hơn 226 kg và có thể tấn công các mục tiêu cách xa hơn 305 km, đặt bờ biển phía đông của Trung Quốc, đối diện với Đài Loan qua eo biển Đài Loan, trong tầm ngắm.
Từ phân tích như trên, Defense New cho rằng hai loại tên lửa AGM-84H và M57 sẽ giúp Đài Loan không chỉ tăng cường khả năng phản công trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công bằng tên lửa đạn đạo mà còn làm gián đoạn cuộc xâm nhập tiềm tàng của Trung Quốc bằng cách tấn công các cảng, căn cứ không quân và những mục tiêu quân sự khác ở phía bên kia eo biển Đài Loan.

Chiến lược chống Trung Quốc của Mỹ?

Ngoài khả năng của AGM-84H và M57, giới chuyên gia còn cho rằng việc Bộ Ngoại giao Mỹ đồng ý bán 2 loại tên lửa này đánh dấu chính quyền Washington đã từ bỏ chính sách trước đây là chỉ bán cái gọi là thiết bị phòng thủ bị động cho Đài Loan. “Từ trước tới nay, Mỹ chỉ bán các hệ thống phòng thủ bị động cho Đài Loan, nhưng lần này, gói bán có cả vũ khí không đối đất tầm xa”, nhà nghiên cứu Tô cho hay trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với CNA. “Những hợp đồng này cho thấy niềm tin lẫn nhau giữa Đài Loan và Mỹ thắt chặt đáng kể”, ông Tô nhận định.

Tên lửa hành trình tấn công tầm xa AGM-84H SLAM-ER do Boeing chế tạo

Navair.navy.mil

Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Yết Trọng tại Tổ chức Chính sách quốc gia ở Đài Loan nhận định tuy các gói bán vũ khí mới cho thấy mối quan hệ quân sự Mỹ-Đài đang tiến triển, nhưng cũng là chỉ dấu về nỗ lực thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Washington.
“Mỹ muốn ngăn chặn tình trạng bành trướng quân sự của Trung Quốc. Một trong những cách để đạt mục tiêu này mà không phải mang gánh nặng một mình là hỗ trợ các nước gần Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự của họ’, ông Yết bình luận. Các gói bán vũ khí cho những quốc gia và vùng lãnh thổ cho họ một vai trò trong việc chống lại ảnh hưởng về mặt quân sự của Trung Quốc và duy trì ảnh hưởng của Mỹ, theo ông Yết.

[VIDEO] Vì sao căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Đài Loan?

Theo nhà nghiên cứu Tạ, trong những năm gần đây, Trung Quốc phát triển khả năng phong tỏa - chống tiếp cận (A2/AD) với mục tiêu ngăn chặn các lực lượng quân sự của Mỹ và đồng minh hoạt động một cách tự do ở không phận và vùng biển gần bờ biển của Trung Quốc. Nhằm đối phó tình trạng này, quân đội Mỹ lâu nay tăng cường quan hệ đối tác trong chuỗi đảo thứ nhất, trong đó có việc triển khai tên lửa đến các đảo ở phía tây nam của Nhật Bản và các đảo dọc chuỗi đảo thứ nhất để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng trên biển. Đó cũng là lý do Mỹ đồng ý bán những vũ khí có khả năng tấn công chính xác tầm xa như trên cho Đài Loan, theo ông Tạ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.