Yêu sách 'Tứ Sa' sai trái

21/04/2020 09:00 GMT+7

Với dã tâm độc chiếm Biển Đông , Trung Quốc tiếp tục ngang ngược đẩy mạnh yêu sách chủ quyền “Tứ Sa” bất chấp luật pháp quốc tế.

Yêu sách trái luật pháp quốc tế

Với thất bại trong yêu sách “đường lưỡi bò” sau phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA), vào năm 2017 Trung Quốc đã đưa ra chiến thuật mới trên Biển Đông với yêu sách “Tứ Sa” sai trái. Cùng với việc gửi các công hàm lên Tổng thư ký LHQ, bằng cách tuyên bố thành lập 2 đơn vị hành chính cấp quận quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đang thực hiện việc thể chế hóa cái gọi là “Tứ Sa” trong hệ thống quản lý quốc gia, là bước đi mới để thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Các hành động của Trung Quốc có tác động rất xấu tới hòa bình, an ninh, an toàn, sự duy trì luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là những hành động bắt nạt, cưỡng ép, dùng sức mạnh của nước mạnh để bắt buộc các nước khác phải thuận theo những yêu cầu sai trái của mình. Do vậy, bằng cách vi phạm luật pháp quốc tế, Trung Quốc không chỉ làm tổn hại đến quyền lợi của các nước xung quanh Biển Đông mà còn của các nước ngoài khu vực, đặc biệt là các cường quốc. Trong bối cảnh các nước ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, các hành động của Trung Quốc đã phá vỡ lòng tin, làm cho việc đàm phán COC đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Nếu Việt Nam và các quốc gia xung quanh Biển Đông không kiềm chế và khéo léo để có ứng xử phù hợp với Trung Quốc, các hoạt động trên thực địa của Trung Quốc có tiềm ẩn nguy cơ tạo ra xung đột vũ trang trên biển rất cao.
Yêu sách này có thể tóm tắt bằng 3 điểm. Thứ nhất, Trung Quốc có “chủ quyền không thể chối cãi” đối với Nam Hải chư đảo, bao gồm bốn nhóm đảo mà Trung Quốc gọi là “quần đảo”: Đông Sa (đảo đá Pratas), Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và Trung Sa (bãi ngầm Macclesfield, một bãi ngầm hoàn toàn nằm dưới mặt nước ngay cả khi thủy triều xuống thấp nhất, và gần đây đưa thêm bãi cạn Scarborough của Philippines). Thứ hai, các nhóm đảo này là quần đảo và được sử dụng đường cơ sở thẳng để xác định đường cơ sở và vùng nước quần đảo. Thứ ba, các nhóm đảo này có vùng nước quần đảo, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý và thềm lục địa tính từ đường cơ sở thẳng.
Công hàm số 22/HC-2020 của Việt Nam gửi Tổng thư ký LHQ, phù hợp với các quy định trong Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) và phán quyết của PCA, đã khẳng định các thực thể chìm hoàn toàn dưới biển hoặc lúc nổi lúc chìm không phải là đối tượng để tuyên bố chủ quyền; các đảo đá tại Hoàng Sa, Trường Sa không có EEZ và thềm lục địa; và không thể sử dụng đường cơ sở thẳng để nối các điểm ngoài cùng của các đảo trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để tạo thành các “vùng nước quần đảo”. Theo đó, yêu sách “Tứ Sa” của Trung Quốc hoàn toàn trái quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán trong EEZ của Việt Nam và các nước xung quanh Biển Đông.

Lợi dụng, đánh úp cộng đồng quốc tế

Cần chú ý rằng từ khoảng nửa sau năm 2019 đến nay, Trung Quốc cho tàu Hải Dương Địa chất 8 thăm dò tài nguyên trong EEZ và thềm lục địa của Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines. Về mặt chính trị và kinh tế, Trung Quốc luôn dùng sức mạnh để áp đặt các nước xung quanh Biển Đông buộc các nước này chấp nhận yêu sách trái phép của mình. Trung Quốc cũng triển khai rầm rộ các tàu để tập trận trên các vùng biển ở khu vực. Như vậy, Trung Quốc đang triển khai thực hiện tất cả các biện pháp chính trị, quân sự, ngoại giao, quản lý hành chính nhà nước và trên thực địa nhằm hiện thực hóa những yêu sách sai trái của mình trên Biển Đông. Trung Quốc đang lợi dụng luật pháp quốc tế để thực hiện một cách rất bài bản các bước đi nhằm chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cũng như các vùng biển thuộc EEZ thềm lục địa của Việt Nam và nhiều nước khác trong khu vực.
Trong lúc cả thế giới đang phải dồn lực chống dịch, Trung Quốc lại tranh thủ “đánh úp” cộng đồng quốc tế bằng những hoạt động trái luật pháp quốc tế, tác động rất xấu tới hòa bình, an ninh, ổn định trên Biển Đông. Với tính chất ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế, trong thời gian tới Trung Quốc có thể tiếp tục thực hiện các hoạt động nguy hiểm hơn. Do vậy, Việt Nam và các nước xung quanh Biển Đông cần phải chuẩn bị để ứng phó với các tình huống xấu hơn hiện nay. Đặc biệt, Việt Nam cùng các quốc gia trong và ngoài khu vực cần tăng cường hợp tác để loại trừ những hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.