Thế hệ doanh nhân kế thừa đang lớn mạnh

13/10/2024 11:04 GMT+7

Thế hệ doanh nhân kế thừa từ nhiều tập đoàn kinh tế lớn của đất nước ngày càng nhiều, khởi động hành trình xây dựng các doanh nghiệp Việt trường tồn theo thời gian.

Được đào tạo bài bản, năng động, nhạy bén

Điểm giống nhau đầu tiên của các doanh nhân thế hệ thứ 2 là được chuẩn bị sẵn con đường kế nghiệp của gia đình. Họ đã được định hướng, đào tạo về những ngành nghề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp ở các trường đại học nổi tiếng trên thế giới rồi từng bước tham gia công việc ở công ty. Trải qua quá trình dài, nhiều thử thách mới được chuyển giao công việc. Chẳng hạn, trường hợp người con trai lớn Trương Mạnh Linh của người sáng lập Tập đoàn Tân Long. Sau 7 năm du học bên Úc, ông về nước năm 2014 và bắt đầu làm việc tại tập đoàn từ giao nhận dưới cảng, tiếp xúc với logistics. Sau đó, ông tiếp tục làm nhân viên văn phòng, lo chứng từ và tất cả những công việc về văn phòng. Từng bước một, ông lại chuyển sang làm nhân viên phòng kinh doanh quốc tế chuyên giao dịch nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam… Đến 2022, ông Trương Mạnh Linh mới bắt đầu tiếp quản mảng gạo và hiện nay đang quản lý toàn bộ mảng kinh doanh gạo của Tập đoàn Tân Long.

Đánh giá về người kế thừa, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long Trương Sỹ Bá cho rằng con trai đang làm việc rất tốt, có khi tốt hơn cả ông làm. "Tuổi trẻ có sự năng động, nhạy bén, tiếp nhận thông tin và những công nghệ mới. Chiến lược và tầm nhìn có thể chưa bằng người đi trước nhưng nếu xây đề án chi tiết từng hành động thì các bạn làm rất tốt", ông Trương Sỹ Bá nhận xét và so sánh: Những người sáng lập, làm start-up thì có sức chịu đựng mạnh mẽ hơn bởi họ là những người đứng mũi chịu sào ngay từ đầu.

Công việc kinh doanh liên quan đến cá nhân, gia đình và rất nhiều người liên quan nên những người sáng lập là những người có sự liều lĩnh, sự quyết liệt, lăn xả và dấn thân nhiều hơn. Người thừa kế thì ít có những yếu tố này. Nhưng bù lại, những thế hệ tiếp theo được thừa hưởng lịch sử hình thành, phát triển, quy trình, bộ máy, đội ngũ có sẵn. Đặc biệt, doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khởi nghiệp, đã hoạt động ổn định và bài bản. Các thế hệ thứ 2 có lợi thế vì tiềm lực có sẵn, có thất bại cũng có thể đi tiếp vì nguồn lực vẫn còn. Hơn nữa, họ có thể học hỏi được kinh nghiệm từ người đi trước.

Thế hệ doanh nhân kế thừa đang lớn mạnh- Ảnh 1.

Ông Kao Siêu Lực tin tưởng chuyển giao sự nghiệp cho thế hệ kế thừa

ẢNH: CÔNG TY CUNG CẤP

Thế hệ doanh nhân kế thừa đang lớn mạnh- Ảnh 2.

Ông Kao Siêu Lực

ẢNH: CÔNG TY CUNG CẤP

Tại ABC Bakery, cả 3 người con của người sáng lập, Tổng giám đốc Kao Siêu Lực là con gái Kao Huy Phương, con gái Kao Huy Minh và con trai út Kao Hớn Phong đều đang tham gia điều hành các hoạt động cốt lõi của công ty. Cả ba đều được đào tạo ở nước ngoài, được truyền ngọn lửa đam mê nghề truyền thống và cùng hợp sức để mong muốn đưa thương hiệu bánh vươn xa hơn nữa. Trong đó, Kao Huy Phương phụ trách mảng đối ngoại, kinh doanh; Kao Huy Minh phụ trách đối nội, nhân sự còn Kao Hớn Phong phụ trách về kỹ thuật, công nghệ.

Đánh giá về 3 người con, ông Kao Siêu Lực cho biết công việc của mỗi người được sắp xếp dựa trên tính cách, thế mạnh riêng. Trong đó, người chị cả Kao Huy Phương theo học công nghệ thực phẩm tại Singapore. Nhờ học lực xuất sắc nên Phương được chính phủ Singapore cấp học bổng, trải thảm đỏ giữ lại làm việc. Chính người cha Kao Siêu Lực đã phải vắt óc suy nghĩ thuyết phục con, "cạnh tranh" với chính phủ Singapore để đưa con gái về làm việc tại công ty gia đình. Khi Kao Huy Phương trở về, cô đảm nhận kinh doanh và mở ra thị trường xuất khẩu từ con số 0 cho công ty. Đến nay doanh số từ xuất khẩu đã chiếm 35 - 37% tổng doanh thu hằng năm.

Những người kế thừa ở ABC Bakery cũng luôn năng động, nhạy bén với thị trường, dám nghĩ dám làm. Nhưng trong quá trình làm việc cùng nhau, ông Kao Siêu Lực cho rằng luôn có "áp lực" giữa thế hệ đi trước và lớp người trẻ, kế thừa. Hiện nay, dù là người đi trước nhưng cũng không thể áp đặt. Để dung hòa giữa quan hệ gia đình và công việc, ông luôn lắng nghe, trao đổi để cùng nhau tìm ra hướng giải quyết tốt nhất. Hay đôi khi ông cũng phải đóng vai "trọng tài" để chốt ưu điểm, khuyết điểm của ý kiến từ những người con và sau đó cùng chọn ra phương án tối ưu để thực hiện.

"Tôi may mắn là thuyết phục được cả 3 con về chung sức hoạt động ở công ty. Nhưng quá trình làm việc cùng nhau cũng có nhiều áp lực. Thế hệ đi trước như tôi không thể áp đặt vì cũng chưa chắc mọi suy nghĩ quyết định của mình là đúng. Thế hệ trẻ có nhiều ưu điểm, lợi thế hơn, rõ nhất là bắt kịp xu hướng thị trường, ứng dụng công nghệ nhanh hơn, thay đổi và thích nghi với biến động của kinh tế trong và ngoài nước kịp thời", ông Kao Siêu Lực chia sẻ.

Thế hệ doanh nhân kế thừa đang lớn mạnh- Ảnh 3.

Sản xuất tại ABC Bakery

ẢNH: CÔNG TY CUNG CẤP

Chấp nhận té ngã, tự tin chuyển giao

Ở nhiều doanh nghiệp, những lãnh đạo kế thừa đã được trao quyền khá sớm. Hơn 10 năm trước, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu (ACB) Trần Hùng Huy đã được bổ nhiệm giữ vị trí cao nhất này khi tuổi đời còn khá trẻ. Từ đó đến nay, ông cùng cộng sự đã đưa ACB phát triển mạnh, liên tục tăng tốc về lợi nhuận và tài sản, trở thành một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu tại Việt Nam.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, Công ty mía đường Thành Thành Công được biết đến của gia đình doanh nhân Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc. Nhiều năm qua, con gái Đặng Huỳnh Ức My của cặp đôi doanh nhân đã tham gia điều hành ở các công ty thành viên của Thành Thành Công và là Phó chủ tịch HĐQT của tập đoàn. Mới nhất, từ giữa tháng 7 vừa qua, bà Đặng Huỳnh Ức My chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa, công ty mía đường lớn nhất Việt Nam thay mẹ là bà Huỳnh Bích Ngọc. Nữ doanh nhân trẻ này từng giữ chức vụ Chủ tịch Công ty mía đường Thành Thành Công - Tây Ninh vào 2012 - 2015.

Theo ông Kao Siêu Lực, sáng lập công ty nhưng không xây dựng được đội ngũ kế thừa thì sẽ không có động lực để phát triển. Hiện nay, ông đã giao hết 80% công việc cho 3 người con. Trong năm sau, thời điểm tròn 70 tuổi, ông dự kiến sẽ giao toàn bộ 100% doanh nghiệp, công việc cho thế hệ kế thừa. Bởi ông tự tin thế hệ kế tiếp sẽ đưa công ty tiến lên, tiếp tục phát huy được những lợi thế vốn có và áp dụng công nghệ mới, tư duy mới. "Vua bánh mì" nhấn mạnh việc chuyển giao là chấp nhận rủi ro, chấp nhận có sai lầm và sẽ không can thiệp vào bất kỳ việc gì. Không phải mọi quan điểm, quyết định của người trẻ đều hoàn toàn đúng. Khi đó sẽ có câu trả lời từ thực tế. Nhưng nếu không có thử thách, chấp nhận vấp ngã thì làm sao người kế thừa biết cách đi? Như vậy liệu khi nào người đi trước mới dám buông tay và người kế thừa mới trưởng thành? Ông tự tin thế hệ kế thừa mình sẽ tiếp nối đưa doanh nghiệp phát triển mạnh hơn, truyền lại cho các thế hệ sau.

Đồng quan điểm, theo ông Trương Sỹ Bá, người chuyển giao, người sáng lập phải đào tạo được thế hệ kế cận ý chí, nghị lực, phải cho họ thấy không có gì dễ dàng và không sợ thất bại. Đặc biệt, khi đã trao quyền thì không nên can thiệp sâu quá, nhiều quá, để cho họ tự quyết định và chịu trách nhiệm. Mỗi lần có sai sót thì họ sẽ tự rút ra được bài học và sẽ lớn lên vững chắc được. Phải tin tưởng để trao quyền thật sự. Người chuyển giao chỉ đưa chiến lược tổng thể chung của toàn tập đoàn, sau đó đứng đằng xa để quan sát và tư vấn thêm trong trường hợp cần thiết, không cầm tay chỉ việc nữa. Tất nhiên là tùy vào từng thời kỳ nhất định sẽ có những khung nhất định. Ví dụ, mới bàn giao công việc thì cho quyền quyết định là 10 tỉ đồng mà không cần hỏi xin ý kiến. Thêm vài năm có thể tự quyết trong 50 tỉ đồng, sau nữa tăng dần lên... Có lộ trình để họ tiếp nhận dần thử thách.

Thế hệ doanh nhân kế thừa đang lớn mạnh- Ảnh 4.

Sản xuất tại Tập đoàn Tân Long

ẢNH: CÔNG TY CUNG CẤP

Thế hệ doanh nhân kế thừa đang lớn mạnh- Ảnh 5.

Nhà máy của Tập đoàn Tân Long

ẢNH: CÔNG TY CUNG CẤP

"Đương nhiên cái bóng của lãnh đạo trước khi chưa chuyển giao sẽ còn lớn, khi bắt đầu chuyển giao cái bóng vẫn còn nhưng dần dần, chính mình phải là người xóa cái bóng đó đi, để cho các bạn hoàn toàn quyết định. Ngay cả trong trường hợp các bạn quyết định sai cũng đừng vội vàng có hành động can thiệp, thay vào đó chỉ động viên, khích lệ để họ tiếp tục đứng dậy làm lại", ông Trương Sỹ Bá chia sẻ thêm.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, nói trên thế giới đã có những tập đoàn gia đình phát triển hàng trăm năm qua. Đó là các đế chế thời trang, ô tô… ở Pháp, Mỹ, Nhật hay các chaebol (tập đoàn gia đình) tại Hàn Quốc. Việt Nam dù chưa có các tập đoàn lâu đời do vấn đề lịch sử, nhưng chắc chắn cũng sẽ có các thương hiệu gia đình Việt trường tồn cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước.

Bản thân các tập đoàn gia đình trước hết phải tự đào tạo được đội ngũ kế thừa có đủ sức để tiếp quản công ty, đưa doanh nghiệp phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên, trong lịch sử phát triển của các tập đoàn trên thế giới, thậm chí nếu không có người kế thừa ngồi vào ghế lãnh đạo thì người chủ sở hữu cũng có thể thuê nhân sự điều hành từ bên ngoài. Như vậy, vấn đề quan trọng nhất là phụ thuộc vào tầm nhìn, chiến lược dài hạn của thế hệ kế thừa với quyết tâm, khát vọng để đưa doanh nghiệp gia đình phát triển mạnh hơn.

PGS-TS Võ Đại Lược nhấn mạnh: Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều cởi mở trong phát triển kinh tế tư nhân, thừa nhận vai trò và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân. Kỳ vọng trong thời gian tới, các chính sách vĩ mô cũng sẽ tiếp tục mang lại những ưu đãi để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn. Cùng với vị thế, sự phát triển kinh tế của Việt Nam và những ưu thế, nền tảng có sẵn của đội ngũ kế thừa thì các công ty gia đình sẽ ngày càng lớn mạnh, trở thành những tập đoàn gia đình thật sự có sức ảnh hưởng trong khu vực.

Ngoài chiến lược, tập trung thế mạnh, sự khác biệt của công ty đã được xây dựng, vun đắp thì thế hệ lãnh đạo kế thừa cần phải có những yếu tố quan trọng. Đó là luôn giữ được sự nhiệt huyết, tâm huyết với công việc. Kế tiếp là cần tự tin. Mọi việc đều phải làm thử, không sợ khó khăn hay chưa bắt đầu đã nghĩ "Tôi không làm được" mà phải luôn nghĩ rằng "Tôi muốn", "Tôi mong muốn"… Một điều nữa là lãnh đạo luôn phải hòa đồng với tất cả cán bộ nhân viên, kể cả những người lao động làm ở vị trí thấp nhất vì nguồn nhân lực luôn là tài sản quý giá nhất của công ty.

Ông Kao Siêu Lực, nhà sáng lập, Tổng giám đốc ABC Bakery

Doanh nghiệp gia đình tập trung vào thế mạnh để thích nghi và phát triển

Khảo sát mới nhất về Doanh nghiệp Gia đình 2023 của PwC (thực hiện với 2.043 chủ doanh nghiệp ở 82 thị trường, trong đó có 36 đại diện doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam) cho thấy các doanh nghiệp gia đình Việt Nam có kết quả tăng trưởng kinh doanh tốt trong năm 2022. Trong đó có hơn 53% doanh nghiệp báo cáo sự tăng trưởng về doanh số, 36% doanh nghiệp cho biết họ đạt được mức tăng trưởng 2 con số.

Báo cáo cũng nhấn mạnh việc rút ngắn "khoảng cách niềm tin" để đảm bảo sự phát triển của các doanh nghiệp gia đình trong tương lai. Theo PwC, hơn 90% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm được sản xuất có đạo đức, bền vững. Theo đó, các doanh nghiệp gia đình đang cần tập trung vào thế mạnh của mình để thích nghi và phát triển, việc xây dựng niềm tin với các bên liên quan là cần thiết.

Rất nhiều doanh nghiệp trong nước đã có được đội ngũ lãnh đạo kế thừa đang tham gia điều hành trực tiếp như Công ty giày Biti's, Công ty CP Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), Tập đoàn sơn Kova, Công ty gốm sứ Minh Long, Công ty may thêu An Phước, Tập đoàn Tân Á Đại Thành…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.