Thế hệ Z trăn trở về bản thân

06/10/2018 19:44 GMT+7

Thế hệ Z (những người sinh năm 1990 - 2000) cần phải làm gì để cân bằng chuyện học và công việc trong thời buổi hiện nay? Làm sao để duy trì thói quen đọc sách và kỷ luật bản thân tốt để thành công?,...

Đó là thắc mắc của nhiều bạn trẻ với các diễn giả tại buổi tọa đàm “Thế hệ Z, cuộc cách mạng 4.0 và tất cả những gì chúng ta cần biết”, diễn ra ở Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM vào chiều 6.10.
Cân bằng giữa học và làm
Bạn Hà Thanh Minh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thắc mắc: “Hiện tại, em đang là sinh viên và cùng quản lý hai dự án về xã hội là Sống xanh và Văn học. Vì thế, em gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa học và đi làm dự án. Vậy có cách nào giúp em có thể cân bằng được”.
Chị Tống Khánh Linh (Top 10 Cuộc thi X-Gen và chuỗi dự án khởi nghiệp cá nhân) cho rằng khi các bạn sinh viên còn đi học gặp khó khăn nhất là việc phải sắp xếp thời gian. Câu hỏi đầu tiên các bạn cần hỏi là cái gì quan trọng nhất và dành thời gian nhiều hơn cho việc đó.
2 diễn giả (chính giữa) chia sẻ tại buổi tọa đàm PHƯƠNG THẢO

“Vì thế, chị nghĩ bạn cần phải biết cách sắp xếp thời gian hiệu quả và có thể sử dụng các công cụ quản lý công việc. Bạn có thể chép bằng tay danh sách công việc ấy trong vở hoặc sử dụng công cụ ứng dụng quản lý công việc hiện nay. Khi tổ chức phân chia dự án trong tuần, tháng, bạn biết được mục tiêu của mình đảm bảo hoàn thành đến đâu, đạt kết quả như thế nào. Từ đó, mình có góc nhìn rộng hơn về thời gian, công việc và sẽ cảm thấy mỗi ngày trôi qua vừa phải nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu”.
Để duy trì thói quen đọc sách

Theo chị Khánh Linh có rất nhiều nguyên nhân khiến người trẻ không có thói quen đọc sách. Trong đó phải kể đến tác nhân từ môi trường xung quanh, vì nếu tiếp xúc với những người không có thói quen thì bạn cũng sẽ như vậy. Và để tạo thói quen đọc sách đầu tiên hãy tạo niềm vui khi đọc sách.
“Chúng ta có một thứ giống nhau là sự tò mò, vì thế, bạn nên tạo nguồn năng lượng bằng cách đi tìm sự tò mò. Đôi khi các bạn sẽ có cảm giác không thể hiểu suy nghĩ của ai đó khi đối diện với họ nhưng khi đọc, bạn sẽ bất ngờ khi gặp một cuốn sách nói hộ hết những suy nghĩ trong lòng mình. Để tạo nên hứng thú khi đọc sách, bạn cần tìm những cuốn sách mình thích. Khi bạn thích một cuốn sách thì dù nó có 500 trang bạn vẫn sẽ đọc nó nhanh hơn”, chị Khánh Linh khuyên.
Khi đã có được thói quen đọc sách thì cũng nên tập để duy trì thói quen đó. Và theo chị, cách tốt nhất là trong một thời điểm có thể đọc nhiều cuốn sách.
“Khi đang đọc cuốn thứ nhất được một thời gian chị đóng lại để đâu đó. Rồi hôm sau tìm cuốn sách thứ hai để đọc. Sau đó, khi thấy lại cuốn thứ nhất, chị lại lấy ra đọc tiếp và vòng lặp ấy trở thành một quán tính. Sau thời gian ngẫm lại, chị thấy việc lựa chọn cuốn sách để đọc sẽ thay đổi, vì mỗi thời điểm, từng cuốn sách lại phù hợp với tình huống của chúng ta theo cách riêng. Có thể sau một tháng, nửa năm, mình đọc lại, mới nhận ra điều đó. Khi đọc cái gì đó phải đúng thời điểm, thì mới tạo nên sự quan tâm. Đừng ép mình quá, vô tình tạo nên sự tiêu cực”, chị Linh chia sẻ.
Làm sao có được lối sống kỷ luật
Đến với buổi tọa đàm, Minh Phước, sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia, cảm thấy lo lắng khi không biết làm thế nào để nâng cao tính kỷ luật của bản thân để bắt kịp thời đại hội nhập.
Chia sẻ câu chuyện này, anh Nguyễn Cảnh Bình (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần sách Alpha, Phó chủ tịch Trung tâm kinh tế châu Á Thái Bình Dương) cho rằng con người thì ai cũng có sự lười biếng, đó là chuyện bình thường. Nhưng để tạo nên tính kỷ luật, cần phải chọn cách thức cho riêng mình.
Cụ thể về điều này, anh Bình chia sẻ câu chuyện học tiếng Anh của mình. Lúc nhận ra tầm quan trọng của tiếng Anh, anh bắt đầu đi hỏi bạn bè và được biết một người thầy khó tính nhất, kỷ luật nhất ở Hà Nội lúc bấy giờ. Thầy thường có những quy tắc như không được đi học muộn, nếu học viên nào đi học muộn, làm bài sót có thể bị cho nghỉ học. Năm đó, anh xung phong làm lớp trưởng và luôn ngồi bàn đầu. Sau 6 tháng học, anh dần quen với môi trường kỷ luật. Nhờ người thầy nghiêm khắc mà anh có thêm động lực.
“Từ việc xác định việc học là hữu ích với bản thân thì mình sẽ 'gò' bản thân vào môi trường kỷ luật. Một thời gian sẽ quen và mang lại sự hào hứng, từ đó bản thân cũng trở thành người kỹ luật”, anh Bình nói.
Đồng quan điểm chị Khánh Linh cho rằng nếu như bạn không tự kỷ luật được thì thời gian đầu hãy đi làm trong môi trường có những người luôn truyền cảm hứng cho bạn. Khi được truyền cảm hứng về tính kỷ luật, bạn sẽ nhanh chóng trở thành người kỷ luật như họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.