Đừng trở thành 'nô lệ' của công việc

30/08/2018 16:43 GMT+7

'Nếu chúng ta không biết dành thời gian cho bản thân thì sẽ trở thành nô lệ của công việc, lúc đó cuộc sống sẽ rất căng thẳng và áp lực', luật sư Lê Thành Kính nhấn mạnh.

Ai trong cuộc sống cũng gặp phải những căng thẳng, vậy làm thế nào để vượt qua, không phải đối mặt với những hệ quả xấu hơn do căng thẳng gây nên? Các chuyên gia đã có những chia sẻ hữu ích xoay quanh vấn đề này tại buổi tọa đàm “Nhận diện căng thẳng và vượt qua những căng thẳng trong nghề luật sư”.

Khó khăn, thử thách là một phần của cuộc sống

Mở đầu buổi tọa đàm, luật sư Lê Thành Kính (Giám đốc Công ty luật Lê Nguyễn) kể về câu chuyện căng thẳng của chính ông và con gái mình. Vì cả gia đình ông theo ngành luật nên đã định hướng cho con theo ngành này. Lúc đó, con ông còn nhỏ nên chưa biết học luật là như thế nào mà chỉ nghe lời ba mẹ và sang Anh du học. Trong quá trình học, lúc đầu con gái ông không hiểu gì về luật và thấy vô cùng khó khăn, nhưng được gia đình động viên nên cô đã cố gắng tiếp tục học. Cuối cùng con gái ông cũng hoàn thành xuất sắc việc học và trở về Việt Nam làm cho một công ty uy tín. Nhưng nhiều lần, cứ buổi sáng là cả hai vợ chồng ông phải mang quần áo đến công ty cho con, vì con làm thâu đêm không có thời gian về. Và rất ít khi con gái ông về nhà trước 12 giờ đêm. Cuối cùng vì quá áp lực và căng thẳng, con gái ông đã bỏ nghề và đi học lại từ đầu.

Nhiều bạn trẻ tham gia tọa đàm cho biết thường xuyên gặp căng thẳng trong cuộc sống HOA NỮ

Còn bản thân ông Kính, có giai đoạn ông phải uống bia thường xuyên mới có thể ngủ được, vì quá căng thẳng.

“Vì thế nếu làm nghề mà không biết cách để giải quyết căng thẳng thì chúng ta phải bỏ cuộc hoặc thậm chí bị những bệnh nguy hiểm từ căng thẳng nhiều ngày gây nên. Chúng ta đi giải quyết vấn đề của nhiều người mà không giải quyết được vấn đề của chính mình thì sẽ rất nguy. Hãy luôn biết rằng khó khăn, thử thách ban đầu chỉ là trong suy nghĩ của chúng ta nhưng khi đã vượt qua rồi thì mọi thứ đều trở nên bình thường. Bởi vì nó là một phần của cuộc sống vì thế không nên quá buồn hay quá lo lắng và ngày mai chúng ta lại bắt đầu”, ông Kính nói.

Tập mỉm cười trong những lúc căng thẳng nhất

Đúc rút từ kinh nghiệm của mình, ông Kính khuyên dù công việc có áp lực như thế nào nhưng cũng tránh làm việc liên tục 12 - 14 giờ/ngày. Cố gắng trước khi rời công ty nên dành khoảng 5 phút để lập kế hoạch cho ngày mai. Để khi về đến nhà là không nghĩ bất cứ điều gì về công việc và ngày mai không bị rối tung rối mù vì những chuyện không biết sắp xếp như thế nào.

Cũng theo ông Kính là không nên bị ám ảnh bởi chủ nghĩa hoàn hảo. Nếu quá chu toàn, công thức sẽ làm mất đi tính năng động, sáng tạo của mỗi người và công việc sẽ trở nên áp lực hơn.

Và đặc biệt là sử dụng hiệu quả thời gian giải lao, thể thao... để trí não được thư giãn và có tinh thần làm việc tốt hơn. “Nếu chúng ta không biết dành thời gian cho bản thân thì sẽ trở thành 'nô lệ' của công việc, lúc đó cuộc sống sẽ rất căng thẳng và áp lực”, ông Kính nhấn mạnh.

Chị Nhi cho rằng ai cũng gặp phải căng thẳng nhưng nếu có kỹ năng và phương pháp thì sẽ biết cách để vượt qua HOA NỮ

Còn chị Trần Khoa Việt Nhi (giáo viên dạy yoga tại TP.HCM) nhận định: “Chúng ta không thể mặc cái áo mà 10 ngày không giặt, 10 năm không giặt. Nếu muốn xài lại cái áo đó thì bắt buộc chúng ta phải giặt. Và não bộ của chúng ta cũng thế, chúng ta xài nó nhiều nên cũng dành thời gian để 'giặt' cho não sạch. Nghề luật sư là một nghề thường nghe những chuyện buồn, chuyện bức xúc của khách hàng, coi như là ngày nào cũng nhận về rất nhiều 'độc tố' cho bộ não. Độc tố càng nhiều thì cần phải dành nhiều thời gian để 'giặt', để 'tẩy' sạch hơn nữa”.

Theo chị Nhi, khi chúng ta vui cười, hormone endorphin sẽ được sản sinh, từ đó giúp chúng ta giảm căng thẳng. “Nên một trong những cách đầu tiên để giải quyết căng thẳng là hãy tìm đến những việc, những thú vui có thể làm cho chúng ta cười nhiều nhất...”, chị Nhi khuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.