Buổi trao đổi về chủ đề Làm bạn với stress - Stress! Let’s be friends! do nhóm các bạn trẻ đến từ các trường ĐH: Ngoại thương cơ sở 2, Kinh tế - Luật TP.HCM, Sài Gòn, Bách khoa TP.HCM… tổ chức vừa diễn ra tại TP.HCM thu hút hàng trăm sinh viên (SV). Mỗi bạn trẻ chia sẻ với chuyên gia tâm lý và mong có được một giải pháp.
Nhiều mối lo…
Tr.T.H (20 tuổi), SV Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2, thành thật: “Tôi nhiều lần muốn đập phá đồ đạc, hoặc dùng bạo lực với một ai đó để giải quyết những stress trong mình. Tôi có thể đi bộ, đi bơi để cơn stress tạm qua đi, nhưng một thời điểm lại bùng phát”.
tin liên quan
Giảm stress nhờ... đi họcCòn Hoàng Ngọc Tố Uyên (21 tuổi), SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nói: “Mọi người nghĩ rằng SV sẽ chỉ phải ăn, học không lo nghĩ gì. Nhưng thực sự, chúng tôi đứng giữa quá nhiều trăn trở giữa việc học hành, làm thêm, chuyện tình cảm cá nhân và nỗi lo công việc khi tốt nghiệp”.
Nguyễn Khánh Ngân (19 tuổi), SV Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, than thở: “Tôi luôn ám ảnh về việc làm của mình sau này. Gia đình không khá giả để có thể lo cho tôi. Nhưng tôi luôn bất an và lo sợ, liệu mình có thành công không, bố mẹ có thất vọng về mình không. Khi tôi stress dài ngày, cơ thể tôi rệu rã, tôi từng rụng tóc rất nhiều”.
Với Hoàng Gia Linh, SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nỗi stress đến ngày càng nhiều hơn thời gian gần đây khi Linh không xin được việc làm thêm. Cô từng tự cho mình một vỏ ốc và thường xuyên than vãn: “Tôi muốn vừa học tốt vừa kiếm được tiền để lo liệu cuộc sống vì bố mẹ tôi cũng khó khăn. Xung quanh tôi bạn bè đều giỏi giang, ai cũng có việc làm với thu nhập rất tốt, tôi càng trách bản thân mình và thấy mình kém cỏi. Stress càng lâu, tôi càng cảm thấy rất đau đầu, cơ thể đều chống lại mình, tôi không muốn làm gì cả”.
Học cách bao dung với bản thân
Ông Ngô Minh Uy, chuyên gia tham vấn tâm lý, Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý và giáo dục TP.HCM, cho hay stress có thể đến từ nhiều nguyên nhân như: điều kiện làm việc, thiếu kỹ năng xã hội, chưa hiểu được nhu cầu và cảm xúc bản thân, chưa hiểu nhu cầu và cảm xúc người khác, ăn uống hay ngủ nghỉ không điều độ cũng rất dễ dẫn đến cáu gắt, stress...
Theo ông Uy, để kiểm soát được stress, người trẻ nên trang bị kiến thức kỹ năng chuyên môn và kỹ năng xã hội, chăm sóc sức khỏe tốt, nên theo đuổi những gì là thế mạnh, đam mê của mình để luôn tự tin. Nếu bạn không hiểu rõ, chưa chuẩn bị kỹ kiến thức kỹ năng thì đừng làm.
tin liên quan
'Có lúc tôi thấy mình thật kém cỏi, muốn chết'Cũng theo ông Uy, người trẻ hiện nay dễ dàng tìm được các trung tâm tư vấn tâm lý hay đào tạo kỹ năng để thoát khỏi stress, nhưng cần sự tỉnh táo và hiểu biết bởi rất dễ rơi vào những “cái bẫy” của các trung tâm quảng cáo rầm rộ, những người không đủ năng lực nhưng vẫn tự nhận là chuyên gia tâm lý…
Lê Thị Quỳnh Hương (22 tuổi), cử nhân Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, hiện làm nghiên cứu định tính, hành vi người tiêu dùng tại một công ty, chia sẻ cô từng bị stress thời gian dài, nguyên nhân từ việc quá cầu toàn, hay chỉ trích bản thân, đặt quá nhiều đòi hỏi.
“Một ngày tồi tệ của tôi là đi làm về rất muộn, gặp trời mưa ướt hết, chuyện tình cảm trục trặc, nhưng tôi vẫn bảo mình phải đi siêu thị mua đồ về nấu ăn, bỗng nhiên tôi nhận được lời phê bình từ công ty, họ yêu cầu tôi làm lại báo cáo. Tôi không kiềm chế được đã vất hết tất cả những gì mình đang nấu và khóc lớn”, Quỳnh Hương chia sẻ.
Hương cho hay, gần một năm nay, cô đọc sách và nghiên cứu nhiều về tâm lý học, cô hiểu rằng chỉ trích bản thân với một liều lượng đủ sẽ tạo động lực để thay đổi tích cực. “Mỗi người trẻ cần học yêu thương, bao dung và trắc ẩn với bản thân nhiều hơn, đừng gò ép bản thân bằng quá nhiều mục tiêu”, Hương nói.
Trong khi đó, anh Lâm Anh Vũ, chuyên gia khai vấn, phụ trách vị trí Head of agency ở Facebook (làm việc tại Singapore), cho hay các bạn trẻ không nên giữ chặt những tâm tư, mối lo lắng, sợ hãi trong lòng mà có thể tìm cho mình những người bạn có thể lắng nghe…
Bình luận (0)