Thế khó của Tổng thống Obama trong thương mại với Trung Quốc

04/05/2016 12:31 GMT+7

Bắc Kinh đang hối thúc chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đối xử với Trung Quốc như một “nền kinh tế thị trường”. Động thái này sẽ đi cùng mức thuế thấp hơn cho nhiều mặt hàng nhập khẩu gây tranh cãi từ Trung Quốc.

Theo AFP, thế khó về hàng rào thương mại với Bắc Kinh mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đang đối mặt có thể là một trong những chủ điểm của cuộc đua bầu cử tổng thống năm nay, và là yếu tố phức tạp hóa chuyến thăm Trung Quốc cuối cùng của ông Obama trên cương vị tổng thống vào tháng 9 tới.

Thương mại với Trung Quốc vừa được ứng cử viên đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton nhắc đến hôm 2.5. Bà Clinton nói với các công nhân thép ở Kentucky: “Tôi đã nói rõ điều này, và giờ tôi nói lại lần nữa và tôi mong báo chí sẽ viết nó ra để mọi người trong chính quyền có thể nhìn thấy nó, tôi không cho Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường. Họ không tuân thủ quy tắc và họ không chơi đúng luật”.

Lời bà Clinton thuận với các cáo buộc đã có từ lâu, rằng Trung Quốc đang gây ảnh hưởng đến việc làm và doanh nghiệp Mỹ bằng cách bán phá giá hàng hóa trên thị trường.

Chính phủ Trung Quốc phủ nhận các hành động trên, đã và đang tích cực chống lại làn sóng trả đũa thuế của Mỹ và châu Âu. Giờ đây, Bắc Kinh có chiến lược mới, thách thức loại thuế suất được tính riêng cho các nền kinh tế không phải là nền kinh tế thị trường và bị nghi ngờ bán phá giá. Họ lấy thỏa thuận gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2011 để buộc Mỹ phải thay đổi từ ngày 11.12.

“Chúng tôi cho rằng tất cả thành viên WTO phải thực hiện nghĩa vụ của họ đúng hạn, không làm sai lệch hoặc trì hoãn việc thực hiện”, phát ngôn viên Zhu Haiquan của Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington (Mỹ) nói.

Sẽ có ít đối tác thương mại cho rằng Trung Quốc hoàn toàn là một nền kinh tế thị trường, song số nước muốn khởi động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc lại càng ít hơn. Một số quốc gia nhỏ như New Zealand và Singapore đã xem Trung Quốc là nền kinh tế thị trường, trước thời điểm tháng 12 năm nay.

Về phần Mỹ, chính quyền ông Obama khẳng định quyết tâm bám vào các tiêu chí được Bộ Thương mại Mỹ đề ra trong việc này. “Không điều nào trong giao thức gia nhập của Trung Quốc yêu cầu các thành viên WTO phải tự động xem Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường vào cuối năm nay”, một quan chức thương mại Mỹ giấu tên nói với hãng tin AFP. Thay vào đó, Đại lục sẽ phải “yêu cầu được xem xét tình trạng” trong bối cảnh tranh chấp cụ thể.

Câu chuyện thương mại có thể khiến chuyến công du đến Đại lục vào tháng 9, chuyến thăm Chủ tịch Tập Cận Bình cuối cùng và cũng là để tham dự Hội nghị G20 của ông Obama, không thoải mái. Ngay cả khi ông tránh được các cuộc tranh cãi công khai, ông cũng sẽ chứng kiến chuyện tranh chấp thương mại với Trung Quốc trong những tháng cuối tại nhiệm.

Dự đoán các biện pháp Đại lục sẽ đưa ra, chuyên gia Gary Clyde Hufbauer thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho hay: “Họ sẽ tìm ra một số ngành công nghiệp có thể chuyển đổi nguồn hàng từ Mỹ sang thành nguồn hàng từ những nơi khác”. Dù biện pháp trả đũa vẫn nhỏ so với thương mại song phương nghìn tỉ USD, đây vẫn có thể là yếu tố kích thích đáng kể.

Động thái trên, nếu có, sẽ một lần nữa phá hoại nỗ lực dài hơi nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc, chuyển “trục” đối ngoại từ Trung Đông sang châu Á của ông Obama. Với riêng tổng thống Mỹ đương nhiệm, vấn đề này trở nên khó khăn hơn vì cuộc bầu cử mới, vốn đang sôi nổi với ý kiến từ phía hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Bà Hillary Clinton phản đối Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và từng đặt ra câu hỏi về tương lai thành tích này của ông Obama, vốn được thiết kế để tạo thành đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Ông Donald Trump, ứng viên đảng Cộng hòa, thì chỉ ra thâm hụt thương mại 368 tỉ USD với Trung Quốc khi nhắc đến bằng chứng cho thấy Mỹ đang đi sau. Cả bà Clinton và ông Trump đều có thể sẽ tiếp tục gây thêm sức ép trong thời gian tới. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.