Theo báo cáo giải trình trước Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, ông Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Thanh Hóa, khẳng định trên địa bàn vẫn còn tình trạng khai thác cát trái phép ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận. Hiện nay toàn tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép cho 39 mỏ cát, nay chỉ còn 22 mỏ còn thời hạn khai thác.
Cũng theo ông Quy, toàn tỉnh Thanh Hóa có trữ lượng 14 triệu m3 cát, sỏi xây dựng, đã khai thác, cấp mỏ hết 8 triệu m3, hiện chỉ còn 6 triệu m3. Nếu cứ khai thác như hiện nay, trong khi cát từ đầu nguồn đã bị chặn bởi các dự án thủy điện, thì tài nguyên cát sẽ nhanh chóng cạn kiệt, nếu tiếp tục khai thác sẽ phải khai thác vào diện tích đất nông nghiệp, gây sạt lở.
|
Tại buổi chất vấn, một số đại biểu nêu rõ, hiện ở các tuyến sông Mã, sông Chu, sông Bưởi… vẫn còn tình trạng khai thác cát trái phép. Đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường, làm rõ việc thời gian gần đây, có nhiều tàu không số (không số hiệu, không đăng ký đăng kiểm) khai thác, vận chuyển cát ồ ạt ở cửa biển lạch Hới (giáp ranh giữa huyện Hoằng Hóa và thành phố Sầm Sơn) gây xói lở bờ biển, có nguy cơ làm mất bãi biển Sầm Sơn; có một thời gian hàng trăm tàu hút cát khai thác, vận chuyển cát lên tàu nước ngoài bán cát…
Lý giải về tình hình tàu không số khai thác cát trái phép ở cửa lạch Hới và một số điểm khác. Ông Quy nói: “Có một thế lực ngầm điều hành các con tàu không số khai thác cát. Có lợi ích nhóm ở đây, vì kiểm tra chúng tôi chỉ thấy trên các con tàu là người dân bình thường, nhưng điều khiển các nhóm tàu là người khác. Riêng khu vực cửa Hới, do có tình trạng khai thác cát trái phép nên mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản báo cáo, đề nghị Bộ Giao thông vận tải (đơn vị cấp phép dự án nạo vét cửa biển lạch Hới) xin tạm dừng dự án nạo vét vì xảy ra tình trạng khai thác ngoài mốc giới, khai thác gây ảnh hưởng, sạt lở bãi biển, bờ biển”.
|
Về giải pháp ngăn chặn, ông Quy đề nghị UBND tỉnh cần lập chuyên án xử lý nạn “cát tặc”, tàu không số. Ông Quy cũng khẳng định sẽ ngăn chặn được, làm được chứ không phải không làm được. Nếu không, nguy cơ sẽ mất bãi biển Sầm Sơn. Đồng thời, ông Quy nói: "Các đối tượng khai thác cát trái phép là các đối tượng cá biệt trong xã hội”.
Trước nạn “cát tặc” hoạt động trên địa bàn, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa giải trình thêm với hội đồng: “Qua kiểm tra, ngày 6.12, tôi đã ký quyết định tạm dừng khai thác cát của 10 mỏ cát trong số 22 mỏ cát đang được cấp phép hoạt động, do các mỏ không có mốc giới khai thác”.
Ông Quyền cũng cho biết, hiện toàn tỉnh Thanh Hóa còn 365 tàu chưa đăng ký, đăng kiểm tham gia vào khai thác, vận chuyển cát trên sông, trong đó nhiều tàu đi hút cát trái phép. Đó là trách nhiệm của Nhà nước, là trách nhiệm của UBND tỉnh. Biện pháp ngăn chặn “cát tặc” được ông Quyền đưa ra là các mỏ phải cắm mốc, thả phao, tàu nào khai thác ngoài vùng mỏ là trái phép, cấp xã, huyện phải kiểm tra nghiêm ngặt.
|
Ông Quyền cùng đề nghị Công an tỉnh Thanh Hóa cần điều tra, khởi tố các vụ khai thác cát trái phép, nghiêm cấm không cho tàu không đăng ký đăng kiểm lưu thông; nếu xã, huyện nào để khai thác trái phép thì đánh giá năng lực của cấp đó.
Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, chủ tọa kỳ họp sau khi nghe chất vấn, trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, khẳng định: “Đã đến lúc không thể kiên nhẫn thêm, không thể chịu đựng được nữa với nạn “cát tặc”, đồng thời phải quy trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, từng cấp, từng cá nhân, ai chịu trách nhiệm chính, về việc gì, chứ cứ không biết anh nào chịu trách nhiệm chính cả là không được”.
tin liên quan
Mật phục bắt 3 tàu 'bạch tuộc' khai thác cát trái phép trên biển Cần Giờ3 tàu “bạch tuộc” đang khai thác cát trái phép trên biển Cần Giờ bị lực lượng Bộ đội biên phòng (BĐBP) TP.HCM phát hiện và bắt giữ vào rạng sáng 29.11.
Bình luận (0)