Thế nào là xuất khẩu lao động hợp pháp?

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
01/11/2022 14:10 GMT+7

Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Văn Thinh cho biết, hiện nay, hoạt động đưa người Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ( xuất khẩu lao động ) được thực hiện qua 3 hình thức.

3 hình thức xuất khẩu lao động hợp pháp

Thứ nhất, thông qua các chương trình do Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB-XH triển khai, nội dung được đăng tải trên trang web (colab.gov.vn). Cụ thể gồm: chương trình EPS - cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc; chương trình thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản; chương trình tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản; chương trình đưa người lao động đi học tập và làm việc tại Đức trong ngành điều dưỡng đa khoa; Chương trình đi làm việc tại Đài Loan.

Người lao động đến trụ sở Công ty Lá Đỏ tại P.Bình Trưng Tây (TP.Thủ Đức) hồi tháng 1.2022, yêu cầu công ty trả lại tiền phí đi xuất khẩu lao động

NẠN NHÂN CUNG CẤP

Thứ hai, thông qua các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Với hình thức này, các doanh nghiệp sẽ chủ động tìm kiếm thị trường tiếp nhận lao động, tạo nguồn lao động đáp ứng yêu cầu, đào tạo nghề, ngôn ngữ trước khi đưa người lao động đi làm việc. Danh sách các doanh nghiệp được cấp phép được đăng tải công khai trên cổng thông tin của ngành LĐ-TB-XH.

Riêng tại TP.HCM, có 114 doanh nghiệp được cấp phép đưa người đi xuất khẩu lao động và danh sách được đăng tải trên trang web của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM (sldtbxh.hochiminhcity.gov.vn)

Thứ ba, người lao động đi nước ngoài bằng việc đăng ký hợp đồng lao động trực tiếp với người sử dụng lao động ở nước ngoài.

Cảnh báo bẫy lừa xuất khẩu lao động

Trước đó, ngày 22.10, Thanh Niên có thông tin sự việc hàng chục người lao động từ khắp các tỉnh thành cả nước cầu cứu đến chính quyền vì đã đóng hàng tỉ đồng cho bà Lê Thị Cẩm Tú - đại diện pháp luật của Công ty TNHH phát triển nhân lực Lá Đỏ - nhưng không được đi xuất khẩu lao động.

Liên quan vấn đề này, ông Lê Văn Thinh cũng cho hay, việc người lao động bị các cá nhân, tổ chức lừa gạt, thu các khoản chi phí với hứa hẹn đưa đi làm việc ở nước ngoài không phải mới. Bên cạnh đó còn một số hình thức trá hình đi làm việc ở nước ngoài do một số cá nhân, tổ chức tư vấn như đi du học hoặc thực hiện các dự án đầu tư ở một số quốc gia.

Cơ quan chức năng, báo chí đã cảnh báo nhiều năm qua. Tuy vậy, vẫn còn nhiều người lao động do nôn nóng đi làm, chưa tìm hiểu kỹ thông tin pháp lý hoạt động của cá nhân, tổ chức, dễ tin vào lời quảng cáo, hứa hẹn như "việc nhẹ lương cao"...

Theo ông Lê Văn Thinh, nếu có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, người lao động cần liên hệ Phòng LĐ-TB-XH các quận, huyện để biết thông tin về các chương trình đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, CHLB Đức hoặc tìm hiểu thông tin về các doanh nghiệp được cấp phép hoặc yêu cầu doanh nghiệp cung cấp đầy đủ các thông tin về tình trạng giấy phép hoạt động của mình.

Ông Thinh cũng cho biết, với vai trò, chức năng của mình, ngành LĐ-TB-XH sẽ tiếp tục tuyên truyền chính sách, pháp luật về xuất khẩu lao động; thường xuyên cập nhật và cung cấp danh sách các doanh nghiệp được cấp phép để người lao động biết; phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.