Thể thao điện tử thắp hy vọng góp mặt ở Olympic

22/09/2017 08:09 GMT+7

Thể thao điện tử (eSports) đang tìm mọi cách để trở thành môn thể thao chính thức tranh tài ở Olympic khi ngày càng phổ biến và thu hút sự theo dõi cực lớn từ người hâm mộ trên toàn cầu.

Tham vọng trở thành môn thể thao chính thức ở Olympic được “truyền lửa” trong tuyên bố của Kenneth Fok, người vừa được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Thể thao điện tử châu Á (AESF) đầu tuần này. Phát biểu với báo giới tại Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á (AIMAG) 2017 đang diễn ra ở Turkmenistan, vị quan chức 38 tuổi người Hồng Kông cam kết sẽ theo đuổi giấc mơ đưa eSports góp mặt ở ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh. Theo người đứng đầu AESF, eSports đang đứng trên con đường thuận lợi khi ngày càng phổ biến được thống trị bởi loại hình trò chơi trực tuyến và console (các trò chơi điều khiển từ máy tính kết nối hiển thị trên màn hình) với sự tham gia của nhiều người.

“Mục tiêu của chúng tôi là eSports được công nhận trở thành một môn thể thao chính thức ở Olympic. Chúng ta phải xem eSports như một môn thể thao truyền thống”, Kenneth Fok, người đang được đánh giá là ngôi sao đang lên của Hội đồng Olympic châu Á (OCA), nhấn mạnh. Trước đó, hy vọng trên được hun đúc trong một phát biểu của ông Tony Estanguet, đồng Chủ tịch Ủy ban Đấu thầu giúp Paris (Pháp) vừa giành quyền đăng cai Olympic 2024, rằng sẽ cân nhắc việc bổ sung một số loại hình thuộc eSports tranh tài tại sự kiện.
Vị thế của eSports đang thực sự cám dỗ những ánh mắt từ Ủy ban Olympic quốc tế (IOC). Mới nhất, tại giải vô địch quốc tế Dota 2 năm 2017 ở Seattle (Mỹ), ban tổ chức đã trao tổng giải thưởng lên đến 25 triệu USD, trong đó 11 triệu USD dành cho đội thắng gồm 5 game thủ. Hơn nữa, theo ESPN, eSports trong những năm gần đây đã thoát ra khỏi cái nhìn tiêu cực từ phía các bậc cha mẹ khi dần trở thành một loại hình khá phổ biến và các giải đấu được phát sóng thường xuyên trên nhiều kênh truyền hình của hơn 170 quốc gia. Theo một dữ liệu thống kê của tạp chí Fortune, lượng khán giả theo dõi eSports dự kiến sẽ tăng từ 89 triệu người lên 145 triệu người bên cạnh số người hiểu biết về loại hình này đạt 1,2 tỉ trong năm nay, chủ yếu đến từ châu Á và Bắc Mỹ. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi các quan chức Olympic chiếm một phần trong lượng khán giả nói trên.
“Thuốc thử” thực sự cho tham vọng góp mặt ở Olympic của eSports sẽ bắt đầu ở Asian Games 2022 tại Hàng Châu (Trung Quốc) khi lần đầu tiên được công nhận là một môn thể thao tranh huy chương. ESports sẽ trình làng tại Asian Games ở Indonesia vào năm tới bằng một sự kiện biểu diễn. Nhưng trước tiên, AESF phải thúc đẩy sự phát triển của eSports trong một giải đấu thuộc khuôn khổ AIMAG 2017. Giải đấu sẽ tranh tài từ ngày 25 - 27.9 với các loại hình phổ biến như Hearthstone, Starcraft II, Dota 2 và King of Fighters XI.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.