Olympic

Thể thao Đông Nam Á ‘phía trước là bầu trời’, Việt Nam trông chờ may rủi

09/08/2024 19:26 GMT+7

Điểm chung của các VĐV Đông Nam Á giành thành tích cao tại Olympic Paris 2024, là họ còn rất trẻ, vẫn có thể cạnh tranh thành tích ở kỳ Olympic kế tiếp.

Các ngôi sao Olympic của Thái Lan, Indonesia và Philippines còn rất trẻ

VĐV giành HCV cử tạ cho Indonesia ở hạng cân 73 kg nam Rizki Juniansyah năm nay mới 21 tuổi. Ấy vậy mà thành tích của anh rất cao: tổng cử 354 kg, hơn người giành HCB là Weeraphon Wichuma (Thái Lan) đến 8 kg (một thông số cao trong môn cử tạ). Rizki Juniansyah cũng lập kỷ lục Olympic ở phần thi cử đẩy, với thành tích 199 kg. 

Có một chi tiết đáng chú ý khác, người đang giữ kỷ lục thế giới ở phần thi cử đẩy hạng cân 73 kg nam, cũng là một VĐV Indonesia: lực sĩ Rahmat Erwin Abdullah. Kỷ lục của Rahmat Erwin Abdullah 204 kg, được lập hồi tháng 2 năm nay. Rahmat Erwin Abdullah không có suất thi đấu ở hạng cân 73 kg nam trong môn cử tạ Olympic, vì anh đụng hạng cân với đồng hương Rizki Juniansyah. 

Nhưng việc Indonesia có rất nhiều VĐV mạnh ở hạng cân này trong môn thi đấu này, cho thấy tính kế thừa của họ rất tốt. Rahmat Erwin Abdullah năm nay cũng mới 23 tuổi, hoàn toàn sẵn sàng cho kỳ Olympic kế tiếp. Trong khi đó, người giành 2 HCV cho Philippines ở môn TDDC là Carlos Yulo (nội dung thể dục trên sàn và nội dung nhảy chống) năm nay 24 tuổi.

Philippines, Thái Lan bồi dưỡng tài năng thế nào để giành HCV Olympic?

Thể thao Đông Nam Á ‘phía trước là bầu trời’, Việt Nam trông chờ may rủi
- Ảnh 1.

Yulo và kỳ tích 2 HCV Olympic 2024

REUTERS

Về lý thuyết, Carlos Yulo vẫn còn có thể tỏa sáng ở 1 kỳ Olympic sau đây 4 năm. Về phía đoàn thể thao Thái Lan, tay vợt giành HCB nội dung đơn nam môn cầu lông Kunlavut Vitidsarn năm nay mới 23 tuổi. Anh vẫn còn có thể thi đấu đỉnh cao ở 2 - 3 kỳ Olympic nữa. 

Riêng ở kỳ Olympic kế tiếp vào năm 2028, Kunlavut Vitidsarn được dự đoán sẽ là tay vợt nam mạnh nhất, do sau đây 4 năm, HCV đơn nam cầu lông Olympic Paris 2024 Viktor Axelsen (Đan Mạch) đã quá lớn tuổi.  


Thể thao Đông Nam Á ‘phía trước là bầu trời’, Việt Nam trông chờ may rủi
- Ảnh 2.

Kunlavut Vitidsarn sẽ thống trị cầu lông đơn nam thế giới trong tương lai gần?

VĐV giành HCB ở hạng cân 61 kg nam trong môn cử tạ (hạng cân có Trịnh Văn Vinh của Việt Nam thi đấu) của đoàn Thái Lan Theerapong Silachai năm nay 20 tuổi. Còn HCB hạng cân 73 kg nam trong môn cử tạ Weeraphon Wichuma năm nay mới… 19 tuổi. 

 Thái Lan có liên tiếp nhiều VĐV rất mạnh trong môn cử tạ, đồng thời họ còn rất trẻ, cho thấy chiến lược và định hướng đầu tư của họ rất rõ ràng, được chuẩn bị kỹ với lộ trình nhiều năm, có tính kế thừa cao. 

Thể thao Việt Nam trông chờ vào may rủi, thiếu định hướng 

Quay trở lại những niềm hy vọng huy chương của thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024, một trong những niềm hy vọng lớn nhất là Trịnh Văn Vinh ở môn cử tạ. Nhưng điều đáng bàn ở chỗ, Trịnh Văn Vinh chỉ mới trở lại thi đấu hồi năm ngoái, sau đến 4 năm bị cấm tham gia các hoạt động quốc tế vì bị phát hiện dương tính với doping năm 2019. 

Phong độ của Trịnh Văn Vinh luôn là dấu hỏi, bởi một VĐV nghỉ thi đấu lâu như vậy, không ít thì nhiều sẽ mất đi cảm giác trên sàn đấu, sẽ bị ảnh hưởng tâm lý rất lớn khi xuất hiện ở đấu trường lớn nhất thế giới là Olympic (bằng chứng là Trịnh Văn Vinh thất bại ở cả 3 lần nâng tạ với mức 128 kg trong đợt thi cử giật).

Trong suốt thời gian Trịnh Văn Vinh bị cấm thi đấu vì dương tính với doping nói trên, thể thao Việt Nam hầu như không tìm ra được bất kỳ lực sĩ nào có trình độ ở mức tương đương để thay thế, dù biết cử tạ từng là thế mạnh của chúng ta, từng mang về vinh quang cho thể thao Việt Nam ở ASIAD thời Thạch Kim Tuấn (HCB ASIAD 2014) và ở Olympic thời Trần Lê Quốc Toàn (HCĐ Olympic 2012). 

Thể thao Việt Nam không tìm ra được bất kỳ lực sĩ nào có trình độ cấp châu Á trở lên, thay thế cho Trịnh Văn Vinh, dẫu biết rằng các hạng cân nhẹ trong môn cử tạ ở Olympic là một trong những nơi lý tưởng nhất để các VĐV đến từ Đông Nam Á cạnh tranh huy chương. 

Tương tự như thế là trường hợp của môn bắn súng. Đây là môn chúng ta có HCV và HCB Olympic Rio 2016 của Hoàng Xuân Vinh, có HCV ASIAD 2023 của Phạm Quang Huy. Tuy nhiên, không rõ vì sao từ sau tấm HCV ASIAD hồi năm ngoái, Phạm Quang Huy không được đầu tư mạnh hơn để tấn công tiếp vào đấu trường Olympic? Hoặc tại sao chúng ta không có thêm những niềm hy vọng khác cũng trong môn bắn súng, ngoại trừ 1 Trịnh Thu Vinh chưa phải ở mức ổn định nhất, lạnh lùng nhất? 

Một “mỏ huy chương” khác mà thể thao Việt Nam dường như đã bỏ qua đó là taekwondo ở các hạng cân nhẹ, cho dù từ tận 24 năm trước, Việt Nam từng có HCB Olympic trong môn thi đấu này của Trần Hiếu Ngân. Trước đó, chúng ta liên tiếp có HCV ASIAD trong môn taekwondo của Trần Quang Hạ (1994) và Hồ Nhất Thống (1998). Sau đó, Việt Nam có thêm Nguyễn Văn Hùng (HCB ASIAD 2002) cũng rất mạnh. 

Tuy nhiên, sau thời của các VĐV vừa nêu, taekwondo Việt Nam không còn xuất hiện các võ sĩ có trình độ tương đương. Sự “biến mất” của nhiều môn thế mạnh ở đấu trường lớn, trông chờ quá nhiều vào may rủi khiến cho dư luận không thể không đặt ra câu hỏi rằng tính định hướng của thể thao Việt Nam ở đâu? Chúng ta đã làm những gì trong suốt nhiều năm qua, khiến cho các tài năng thể thao, các thế mạnh của chúng ta không những không được nâng lên, mà còn lụi tàn dần theo năm tháng?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.