Ai cũng biết rằng Olympic là đấu trường lớn, giành huy chương là cực khó nên trước ngày đoàn thể thao Việt Nam lên đường, mọi người chỉ dám chúc nhau là cố gắng vượt qua chính mình, tiếp cận được thành tích cao nhất thì tốt, còn không thì cũng đừng để tuột lại quá xa. Sự kỳ vọng nếu có cũng chỉ tập trung vào vài cá nhân như Hoàng Xuân Vinh, Thạch Kim Tuấn hay mong chờ sự đột biến từ Hoàng Thị Duyên, Nguyễn Huy Hoàng... chứ chẳng ai dám mơ mộng cao. Thế nhưng đến giờ này thu hoạch mà đoàn thể thao Việt Nam mang lại chỉ gói gọn một câu là chẳng ai vượt qua được chính mình.
Rõ nhất là hầu hết các kỳ vọng của Việt Nam đều chơi dưới sức. Hoàng Xuân Vinh bị loại từ vòng loại khi chỉ có 573 điểm, thua xa kết quả Olympic Rio 5 năm trước khi anh có 581 điểm, Huy Hoàng thành tích 800 m tự do 7 phút 54 giây 16, thua cả lúc anh giành HCV đại hội thể thao trẻ thế giới đến gần 2 giây và thua thành tích vốn có của anh gần 4 giây. Thạch Kim Tuấn ở môn cử tạ chỉ cần giữ được thành tích 304 kg từng giúp anh giành huy chương bạc SEA Games 2019 thì cũng đã có huy chương hạng 61 kg, nhưng anh liên tục phạm quy tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. Hay đô cử Hoàng Thị Duyên ở hạng cân 59 kg hoàn toàn nằm trong nhóm có huy chương khi tại giải vô địch châu Á tháng 4.2021, cô nâng được 216 kg, trong lúc kỷ lục quốc gia là 223 kg. Thế nhưng lần này, Duyên chỉ có tổng thành tích 208 kg, xếp thứ 5/9 tuyển thủ. Còn lại nhiều VĐV khác cũng có kết quả không tốt so với chính mình.
|
Để xảy ra tình trạng này, dĩ nhiên VĐV, HLV phải là những người chịu trách nhiệm trước hết khi sự chuẩn bị, tích lũy về thể lực, điểm rơi phong độ hay tâm lý thi đấu đều xuất hiện nhiều bất ổn. Nhưng sâu xa của thất bại hàng loạt này là sự đầu tư không tốt của ngành thể thao. Rất nhiều lần những người am hiểu thực trạng thể thao nước nhà đã lên tiếng mong mỏi các cấp lãnh đạo Bộ VH-TT-DL và Tổng cục TDTT phải có những hoạch định đúng đắn cho Olympic, không nên đầu tư dàn trải, tập trung chuyên sâu cho các mũi nhọn trong việc cải thiện chế độ dinh dưỡng, xây dựng các cơ sở vật chất, trang thiết bị mới hiện đại cho công tác huấn luyện, tập luyện, cải thiện chính sách tiền lương và thu nhập để HLV, VĐV ổn định cái đầu, tăng cường cho trui rèn và cọ xát một cách bền bỉ, khoa học chứ không phải theo thời vụ..., nhưng dường như đều không được đáp ứng. Ngành TDTT hay đổ thừa cơ chế hay thiếu tiền, nhưng thực tế tiền đổ vào thể thao nhiều lúc chẳng biết đi đâu.
|
Ngay cả việc đổ thừa do dịch bệnh cũng chỉ là sự khỏa lấp không xác đáng của ngành TDTT. Bởi hãy nhìn các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Indonesia cũng bị dịch bệnh như chúng ta nhưng họ đã có huy chương vàng (Thái Lan, Philippines) hoặc bạc, đồng (như Indonesia). Vậy thì không thắng được chính mình thì hãy xem lại cách đầu tư và chuẩn bị cho Olympic của thể thao Việt Nam rất thiếu chuyên nghiệp và kém cỏi như thế nào.
Bình luận (0)