Bóng đá Trung Quốc khốn càng thêm khó vì cú sốc bản quyền truyền hình

03/03/2021 16:00 GMT+7

Sau sự cố dừng hoạt động của CLB Giang Tô (Jiangsu FC), giải VĐQG Trung Quốc (CSL) bị bồi thêm đòn trời giáng khi chấm dứt hợp tác với đơn vị phân phối bản quyền truyền hình.

Theo thông tin nhật báo Sohu đăng tải, ban tổ chức giải vô địch quốc gia Trung Quốc (Chinese Super League - CSL) vừa kết thúc thỏa thuận hợp tác với Tiao Power - đơn vị phân phối bản quyền giải đấu này trong 6 năm qua.
CSL và nhà phân phối bản quyền nêu trên thiết lập quan hệ đối tác chính thức về phát sóng giải đấu trên các phương tiện truyền thông từ năm 2015.

Choáng váng với bóng đá Trung Quốc, đội vô địch ngưng hoạt động vì hết tiền

Ban đầu, Tiao Power ký hợp đồng 5 năm với Liên đoàn bóng đá Trung Quốc theo thỏa thuận trị giá 8 tỉ nhân dân tệ (khoảng 1,2 tỉ USD, tương đương 27.630 tỉ đồng), sau đó hợp đồng được sửa thành 11 tỉ trong 10 năm (1,7 tỷ USD, gần 40.000 tỉ đồng).
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tiao Power không thể tìm đủ nhà phân phối để có thể chịu được khoản phí bản quyền đắt đỏ đó. Ngoài ra, các nhà phân phối bản quyền trực tuyến cũng gặp không ít khó khăn trong hoạt động.

Vung tiền tậu những ngôi sao như Oscar, CSL từng khiến cả thế giới phải choáng

Twitter

Nên dù CSL có lượng khán giả tích lũy lên tới 430 triệu người vào năm 2019 (giảm xuống 262 triệu người do dịch bệnh, nhưng vẫn là con số ấn tượng), nhưng Tiao Power vẫn không thể hoàn thành nghĩa vụ trả phí bản quyền cho CSL.
Đây là thông tin rất tệ với tình hình tài chính của CSL, giải đấu có mức phí bản quyền trung bình hàng năm cao nhất châu Á. Đó từng là bầu sữa màu mỡ, với cổ tức hàng năm cho các CLB cũng tăng lên nhiều so với trước năm 2015, bình quân gần 80 triệu nhân dân tệ (khoảng 12,3 triệu USD, gần 300 tỉ đồng) mỗi đội.
Khoản tiền từ bản quyền truyền hình dồi dào từng giúp các CLB tăng nguồn thu, giảm phần nào áp lực từ các khoản chi khổng lồ để trả lương cho các ngoại binh và duy trì hoạt động.
Nhưng khi không duy trì được nguồn thu “kếch xù” từ bản quyền, CSL buộc phải tính phương án thay đổi. Theo Sohu, nhà điều hành giải dự định từng bước cải cách từ mô hình bán gói bản quyền sản xuất truyền thống sang việc tách sản xuất và phát sóng, thu thập nhiều nguồn lực và sức mạnh tiên tiến hơn từ xã hội, hợp tác với nhiều nền tảng và phương tiện truyền thông và mở rộng thị trường.

Ngôi sao Alex Teixeira ghi bàn cho CLB Giang Tô (Jiangsu FC) ở CSL

AFP

Đây là bước tiến có thể mở ra hướng đi mới cho CSL, nhưng không hề đơn giản với tình hình hiện nay. Chất lượng CSL thực tế không được nâng lên, sức hấp dẫn phụ thuộc nhiều vào ngoại binh, trong khi trình độ nội binh chưa được cải thiện.
Mới đây, CSL thắt chặt mức lương các CLB trả cho cầu thủ ngoại. Cộng với diễn biến dịch bệnh và khủng hoảng tài chính, nhiều ngôi sao đã lần lượt rũ áo ra đi.
Thất bại của đội tuyển Trung Quốc ở Asian Cup 2019, vòng loại World Cup 2022 (đứng sau Syria) hay đội trẻ Trung Quốc ở giải châu Á khiến nhiều CĐV quay lưng với bóng đá nước nhà.
Việc chỉ 4 tháng sau chức vô địch quốc gia đầu tiên, CLB Giang Tô phải ngừng hoạt động với khoản nợ gần 80 triệu USD cho thấy không có doanh nghiệp lớn “chống lưng”, nhiều đội bóng không thể tồn tại.
Khi bóng đá chưa sinh ra khoản tiền vừa đủ để tự thân nuôi sống mình, khó khăn về đầu ra bản quyền truyền hình sẽ khiến CSL và bóng đá Trung Quốc sau cơn sốt "bong bóng" sẽ còn rơi vào cảnh chật vật sinh tồn. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.