Ly kỳ bóng đá thế giới: Cuộc đào thoát của hai cựu tuyển thủ Đông Đức

Tây Nguyên
Tây Nguyên
01/04/2020 09:01 GMT+7

Cuộc đào thoát của hai danh thủ Falko Gottz và Dirk Schlegel từ Đông Đức sang Tây Đức vì mưu cầu theo đuổi nghiệp trái bóng tròn trong giai đoạn chuyển mình của lịch sử nước Đức đã trở thành một giai thoại đáng nhớ.

Kế hoạch mạo hiểm

Falko Gottz và Dirk Schlegel sinh ra và lớn lên ở Đông Đức. Họ sống gần bức tường Berlin được dựng lên năm 1961 chia cắt nước Đức. Đó là giai đoạn mà Đông Đức và Tây Đức bắt đầu xảy ra cuộc Chiến tranh lạnh. Hai đứa trẻ cùng đam mê bóng đá và gia nhập đội trẻ của Dynamo Berlin. Bấy giờ, Cơ quan An ninh mật Stasi theo dõi mọi khía cạnh cuộc sống hằng ngày của Đông Đức, thu thập thông tin tình báo thông qua một mạng lưới những người cung cấp ở từng ngóc ngách, trong đó có bóng đá. Erich Mielke, nhà lãnh đạo Stasi khét tiếng, là chủ tịch danh dự của Dynamo Berlin.
Sau khi giải nghệ, Falko Gottz và Dirk Schlegel đều theo nghiệp HLV và có những thành công nhất định. Trong đó, Gottz dẫn dắt một số đội bóng lớn như Hertha Berlin, 1860 Munich và có thời gian 6 tháng dẫn dắt tuyển Việt Nam vào năm 2011 nhưng không mấy thành công sau thành tích không tốt cùng tuyển U.23 ở SEA Games 26. Cả hai chuẩn bị bước qua tuổi 60 và vẫn là đôi bạn rất thân.
Nhờ tài năng nổi bật, Gottz và Schlegel nhanh chóng trở thành trụ cột của Dynamo Berlin, đội bóng thành công nhất ở Đông Đức thời bấy giờ khi giành được kỷ lục 10 lần liên tiếp vô địch quốc gia (từ năm 1979 - 1988). Gottz và Schlegel trở thành đôi bạn rất thân bởi họ có một điểm chung: hiếm khi được đối xử tốt vì lý lịch gia đình. “Cả hai chúng tôi đều có vấn đề với chính quyền và Dynamo Berlin vì lý lịch. Anh ấy có gia đình ở Tây Đức và tôi có một người dì ở Anh. Điều đó không tốt cho sự nghiệp tương lai của chúng tôi. Nhưng nó tốt hơn cho tình bạn”, Schlegel kể lại. Tuy nhiên, dù gì đi nữa, những nhà tuyển trạch các đội trẻ Đông Đức không thể bỏ qua tài năng của Gottz và Schlegel. Ngoài việc góp mặt ở tuyển U.21 Đông Đức, sự hiện diện thường xuyên của Dynamo Berlin ở Cúp châu Âu là cơ hội cho Gottz và Schlegel được đến Bỉ, Pháp và các quốc gia khác. Từ đó, cả hai bắt đầu nảy ra kế hoạch đầy mạo hiểm: đào thoát sang Tây Đức.

Động lực không phải vì chính trị

Kế hoạch đầu tiên của họ là cố gắng trốn thoát bất cứ nơi nào có thể khi Dynamo Berlin dự Cúp C1 châu Âu (Champions League hiện nay) mùa giải 1983 - 1984. Lá thăm đã đưa nhà vô địch Đông Đức gặp Jeunesse Esch của Luxembourg. Nhưng kế hoạch của đôi bạn bất thành khi toàn đội bị kiểm soát chặt tại Esch-sur-Alzette bởi những thành viên từ Stasi.
Dynamo Berlin thắng 2-0 ở lượt về và đi tiếp gặp Partizan Belgrade - nhà vô địch của Nam Tư thời đó. Ở Luxembourg an ninh được thắt chặt, nhưng họ hy vọng sẽ khác ở Nam Tư. Một lần nữa, Dynamo Berlin thắng trận lượt đi và đến Belgrade cho trận lượt về. Vào khoảng giữa trưa ngày diễn ra trận đấu (2.11.1983), đội đi cùng nhau bằng xe buýt vào thủ đô của Nam Tư. Khi đến nơi, một thành viên của đội ngũ nhân viên Dynamo Berlin đứng dậy và nói: “Các bạn có một giờ rảnh rỗi. Chúng ta gặp lại nhau lúc 13 giờ”. Schlegel và Gottz biết cơ hội đã đến nhưng họ chỉ ra hiệu bằng mắt. “Chúng tôi có mọi thứ trong túi. Giấy tờ, một ít tiền. Vậy là đủ, đây là cơ hội của chúng tôi. Bây giờ hoặc không bao giờ”, Gottz nhớ lại.
Điểm dừng mua sắm đầu tiên của đội là một cửa hàng băng đĩa. Khi đi vào, Gottz phát hiện một lối ra nằm rất khuất. Sau khi đi đến gần cánh cửa và không ai để ý, cả hai tách khỏi nhóm và đó là lúc họ ra hiệu: “Đi thôi!”. Họ di chuyển đến cửa và chạy thật nhanh tìm đường đến Đại sứ quán Tây Đức. Tại đây, kế hoạch đào thoát bắt đầu hình thành. Đầu tiên họ được đưa đến Zagreb và ra khỏi Belgrade càng nhanh càng tốt. Họ được cung cấp giấy tờ giả với hai danh tính mới của Tây Đức để thoát khỏi Nam Tư. Nhưng trên đường đi, Gottz và Schlegel vẫn lo sợ khi tài xế bất ngờ đổi hướng do nhận tin bất thường về sự an toàn khi vượt biên giới giữa Nam Tư và Áo. Cặp đôi buộc phải đi chuyến tàu đêm từ Ljubljana.
Tàu đến Áo sáng hôm sau khi trong các tờ báo được bán trên sân ga sáng hôm đó, tên của Gottz và Schlegel được đăng với tiêu đề: “Các ngôi sao bóng đá Đông Đức trốn sang Tây Đức”. Ngay khi đến Tây Đức, cả hai đã liên lạc Jorg Berger, một cựu HLV trẻ của Đông Đức đã trốn sang Tây Đức năm 1979, để giúp liên hệ với các CLB. Họ đã chọn ký hợp đồng với Bayer Leverkusen thuộc Bundesliga, nhưng sẽ phải đợi một năm để ra mắt do Dynamo Berlin khiếu kiện FIFA.
Gottz và Schlegel bắt đầu một sự nghiệp mới cùng Leverkusen nhưng họ và gia đình vẫn luôn bị Stasi theo dõi. Gottz ở lại Leverkusen cho đến năm 1988. Sau khi giành Cúp UEFA, anh gia nhập Cologne (Đức), rồi Galatasaray (đoạt 2 chức vô địch Thổ Nhĩ Kỳ). Schlegel rời Leverkusen năm 1985 đến Stuttgart, rồi Blau-Weiss Berlin, Hertha… “Thời gian ở Dynamo Berlin, tôi đã được đào tạo thành một cầu thủ giỏi. Tôi đã có 12 năm ở câu lạc bộ. Họ đã giúp tôi khởi đầu sự nghiệp chuyên nghiệp. Động lực của chúng tôi không vì chính trị”, Gottz nói về hành trình đào thoát của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.