Vì sao Premier League có nhiều trận đấu 'điên rồ'?

07/10/2020 08:30 GMT+7

Những bàn thắng, những trận đấu đầy kịch tính và tốc độ lên bóng như điện xẹt... là những yếu tố giúp Premier League trở thành giải vô địch quốc gia châu Âu được theo dõi nhiều nhất thế giới những năm qua.

Nhưng ngay cả khi người ta đã quen sống trong không khí ấy, có lẽ không ít người vẫn bị sốc khi chứng kiến những gì diễn ra tuần qua.
Liverpool trở thành nhà ĐKVĐ đầu tiên trong lịch sử gần 3 thập niên của Premier League bị thủng lưới đến 7 bàn trong một trận đấu (thua Aston Villa 2-7). Trước đó vài giờ, các fan của M.U rơi vào trạng thái ngỡ ngàng khi chứng kiến đội của mình thua Tottenham đến 1-6 ngay ở Old Trafford, trong đó có 4 bàn chỉ trong hiệp 1. Ở vòng trước nữa, người ta ngã ngửa khi chứng kiến Leicester đánh bại Man.City đến 5-2 trên sân đối phương, dù chỉ chơi một thứ bóng đá phòng ngự phản công đơn giản. Và những trận có đến 7 bàn thắng như Liverpool - Leeds (4-3) hay Everton - West Brom (5-2) không hề ít. Thống kê cho thấy có đến 7 trận đấu kết thúc với 7 bàn thắng, chiếm gần 1/5 tổng số trận đã đấu sau 4 vòng, nhiều chưa từng có kể từ khi Premier League ra đời. Cũng không có một trận hòa 0-0 nào sau 4 vòng, điều chưa từng xảy ra trước kia! 144 bàn thắng đã được ghi trong 38 trận đấu, tương đương với 3,7 bàn/trận, con số cao hàng đầu trong lịch sử giải đấu. 35 trong số bàn đó, tương đương với 25%, được ghi vào lưới của Liverpool (11), M.U (11), Man.City (7) và Chelsea (6), trên lý thuyết là những đội mạnh nhất, giàu nhất, và đương nhiên, có các hậu vệ xuất sắc nhất.
Nhưng điều gì đã xảy ra với họ, khi chính van Dijk và Maguire, hai hậu vệ đắt giá nhất thế giới đã không hề giải quyết được các rắc rối phòng ngự của Liverpool và M.U? Sự thật là hơn một nửa số CLB ở Premier League đã ra sức tìm kiếm hậu vệ giỏi trên thị trường chuyển nhượng mùa hè qua, Man.City và Chelsea phá két để đưa về rất nhiều tên tuổi. Nhưng họ vẫn thủng lưới hằng tuần. Điều quái quỷ gì đã xảy ra? Phải chăng việc thi đấu không khán giả đã khiến các trận đấu trở nên cởi mở hơn, áp lực từ các khán đài với đội khách ít hơn, khiến họ không sợ hãi, trong khi động lực thi đấu cho đội chủ nhà từ khán giả nhà bị giảm thiểu và như thế dễ mắc sai lầm hơn, chẳng hạn với những đội luôn chơi rất “nhiệt” trên sân nhà như Liverpool và M.U?

Watkins lập hat-trick vào lưới Liverpool

Đó là một thực tế rõ ràng của bóng đá thời Covid-19. Điều này đã được chứng minh từ Bundesliga, giải đấu châu Âu đầu tiên trở lại sau giãn cách xã hội. Số bàn thắng nhiều hơn trong các trận mà chính bản thân nhiều cầu thủ khẳng định là không khí không khác gì… đá tập. Và cũng chính vì không khán giả, các đội khách cũng không ngán ngại các đội chủ nhà. Điều này càng trở nên quan trọng trong một giải đấu mà tất cả các CLB đều áp dụng bóng đá tấn công và thích chơi phiêu lưu.
Câu hỏi đặt ra là đến bao giờ cơn sốt bàn thắng này kết thúc? Thật khó có thể trả lời, nhưng nếu đây là “bình thường mới” của bóng đá, thì chắc chắn người hâm mộ sẽ rất thích thú. Chỉ có các HLV là đau đầu mà thôi…

Son Heung-min phá nát hàng thủ M.U

AFP

Đương nhiên, có rất nhiều yếu tố khác nữa khiến số bàn thắng nhiều hơn, chẳng hạn công nghệ VAR (dẫn đến nhiều bàn thắng từ phạt đền hơn) và việc các CLB, đặc biệt là các đội bóng phải tham dự Cúp châu Âu vừa rồi, không có kỳ nghỉ hè dài và đợt tập huấn trước mùa quá ngắn, đã khiến họ bắt nhịp vào giải chậm hơn các đội khác. Tất cả những yếu tố đó khiến bóng đá trở nên không bình thường như trước nữa, và các hậu vệ, dù đắt giá đến mấy, bỗng cảm thấy mình như những chú hề trước các tiền đạo đối phương trên sân, mà những người nhanh như cắt, kiểu Aubameyang, Son Heung-min hay Vardy là hung thần kinh khủng cho tất cả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.