Các CLB hành xử thế nào khi sân bãi xuống cấp ?

28/01/2021 08:45 GMT+7

Chuyện sân bãi hỏng hóc, xuống cấp nặng nề hay thiếu những hạng mục quan trọng không phải là câu chuyện mới xảy ra tại V-League, nhưng việc “ứng xử” của mỗi CLB đối với những tồn tại kiểu này lại khá khác nhau.

Sân của nhà nước, không phải muốn sửa là sửa

Trước khi mùa giải 2021 khởi tranh, Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) đã tuyên bố: “Để sàng lọc và loại bỏ những yếu kém, cản trở đối với sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp, VFF đã thực hiện sửa đổi, bổ sung Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, trên cơ sở bám sát các quy định có liên quan của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) và Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), cũng như căn cứ vào điều kiện thực tiễn của bóng đá chuyên nghiệp VN. Một trong bốn nội dung chính được sửa đổi là quy định về cơ sở vật chất. Mỗi CLB phải có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một sân thi đấu trong thời gian thi đấu giải, đảm bảo an toàn về tiêu chuẩn kỹ thuật, kết cấu, đáp ứng các điều kiện theo quy định”.

Cận cảnh tận dụng sân Lạch Tray trồng rau, chặn cổng làm nơi giết mổ gia cầm

Tuy nhiên, tình hình thực tế lại chưa theo kịp với mong muốn của những nhà điều hành bóng đá VN.
Như Báo Thanh Niên từng đề cập, là một trong những lò đào tạo bóng đá có truyền thống, thương hiệu hơn 20 năm qua nhưng CLB Sông Lam Nghệ An (SLNA) hiện đang bị xếp vào diện không có điều kiện cơ sở vật chất tốt tương xứng. Mấy mùa giải liên tiếp, CLB SLNA bị Ban Cấp phép của VFF “tuýt còi” vì dàn đèn sân Vinh kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn về hệ thống ánh sáng do VFF quy định, vi phạm tiêu chí chuyên nghiệp của AFC. Một quan chức của CLB SLNA nói: “Đã từ lâu, CLB rất muốn sân Vinh được cải tạo, sửa chữa nhưng lực bất tòng tâm. Tiền nuôi đội đã không dư dả gì, lấy đâu ra tiền nâng cấp sân. Nhưng điều quan trọng là cơ chế. Kể cả nếu chúng tôi có kinh phí đi chăng nữa, cũng không được phép “đụng” vào sân, bất kỳ hạng mục nào. Vì sân là tài sản của nhà nước, không phải muốn sửa là sửa. Làm không đúng quy trình, sẽ phạm luật Quản lý, sử dụng tài sản công”.
Cũng theo vị quan chức này: “Sở VH-TT-DL Nghệ An đã thành lập Ban Dự án cải tạo sân. Kế hoạch của Ban là sẽ tiến hành cải tạo sân trong 36 tháng. Tuy nhiên, thời gian đã được tính toán lại, rút ngắn hơn. Ngay lúc này thì chưa thể sửa được sân Vinh mà phải đợi hết mùa giải 2021. Các hạng mục sửa chữa chính sẽ được khởi công ngay khi giải khép lại. Trong đó quan trọng nhất là mặt sân và dàn đèn. Dự kiến đến hết năm nay sẽ hoàn thiện. Sở VH-TT-DL làm việc trực tiếp với chủ đầu tư và chủ động việc cải tạo, chứ không cần lấy ý kiến của CLB. Kinh phí cụ thể thế nào, CLB cũng không nắm được. Chúng tôi hy vọng mùa sau, tình hình sân bãi sẽ tốt hơn, đáp ứng được các quy định của VFF”.

Dàn đèn sân Vinh bị cháy một số bóng đèn

Nhân Văn

Tự khai thác nguồn kinh phí để cải tạo sân

Sân Thanh Hóa (TH) cũng là tài sản công nhưng lãnh đạo đội bóng này lại tỏ ra khá linh hoạt trong phương thức sử dụng. Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch CLB TH, chia sẻ: “Tuy mới tiếp quản CLB, ngoài việc tái thiết đội, chúng tôi từng bước nâng cấp sân thi đấu đến sân tập. Nhiều hạng mục ở khán đài đã được nâng cấp. Còn về mặt sân, chúng tôi dự kiến khi đội tạm dừng thi đấu để nghỉ Tết Nguyên đán, sẽ tiến hành nâng cấp”.
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: “CLB TH sẽ lấy nguồn kinh phí như thế nào để nâng cấp, cải tạo sân bởi TH là sân của nhà nước, theo quy định thì chỉ nhà nước mới có quyền cải tạo sân?”. Bầu Đoan cho biết: “Bóng đá chuyên nghiệp không phụ thuộc vào bầu sữa ngân sách mãi được. Công ty cổ phần bóng đá Đông Á TH đã ký hợp đồng với Sở VH-TT-DL Thanh Hóa để được quản lý, sử dụng sân. Theo đó, chúng tôi sẽ được phép sửa chữa sân với một phần nhỏ từ ngân sách tỉnh, phần lớn còn lại, chúng tôi sẽ lấy từ chính nguồn của công ty qua khai thác quảng cáo hay các phương cách đúng luật khác. Dĩ nhiên việc cải tạo sân cũng cần thực hiện từng bước một nhưng chắc chắn phải làm, phải cải tạo. Mặt sân có tốt, cầu thủ mới yên tâm thi đấu, từ đó mới tính đến việc cải thiện dần thành tích CLB. Ngoài ra, chúng tôi sẽ cân nhắc việc xây dựng một sân tập mới hoàn toàn và việc xây sân tập sẽ được ưu tiên tiến hành triển khai trong thời gian tới”.

Mặt sân Thanh Hóa không được mịn màng, ảnh hưởng đến chất lượng chất đấu

Hoàng Quân

Cho cơ chế nhưng làm không triệt để

Trong số các sân phục vụ V-League, sân Lạch Tray - sân nhà của CLB Hải Phòng (HP) thuộc diện “độc đáo” nhất bởi không chỉ xuống cấp về hạ tầng cơ sở mà còn là sân duy nhất của cả nước... trồng rau ở phía sau cầu môn khán đài C, khu vực đường đi ở khán đài D dùng để nuôi... gia cầm, gia súc.
Sau khi nhận được văn bản báo cáo của Công an Hải Phòng về việc sân Lạch Tray không đảm bảo được cơ sở vật chất thi đấu
V-League cũng như Cúp quốc gia 2021, UBND TP.Hải Phòng đã chỉ đạo khắc phục. Theo đó, Công ty cổ phần thể thao Hải Phòng phải khẩn trương, nghiêm túc khắc phục, hoàn thiện các hạng mục về phòng cháy chữa cháy (PCCC), cứu hộ, cứu nạn. Đáng chú ý, UBND TP yêu cầu rõ, CLB HP chỉ sử dụng cơ sở vật chất sân Lạch Tray sau khi đã khắc phục xong các tồn tại. Sáng 27.1, đại diện Công ty cổ phần thể thao Hải Phòng cho biết từ nhiều ngày qua, đơn vị này đã khẩn trương cho lắp đặt, sửa chữa lại hệ thống PCCC, dừng hoạt động nuôi gia súc, gia cầm trong khu vực khán đài sân Lạch Tray; dừng hoạt động trồng rau, dọn dẹp sạch sẽ các lối đi quanh khu vực thoát hiểm khán đài C và D. Riêng phần hàng rào khán đài A không đủ chiều cao 2 m như quy định, ban tổ chức trận đấu trên sân Lạch Tray sẽ tiếp tục bố trí lực lượng cảnh sát cơ động lập thành hàng rào giữa khán đài và sân cỏ.
Được biết, sân Lạch Tray được bàn giao cho Công ty cổ phần thể thao Hải Phòng từ năm 2014. Đến năm 2017, UBND TP ban hành quy chế sử dụng, khai thác sân, nêu rõ: “Hằng năm, Công ty cổ phần thể thao Hải Phòng chủ động thực hiện việc tu sửa, bảo dưỡng, thường xuyên (không làm thay đổi kết cấu và công năng của công trình) từ nguồn kinh phí hoạt động của công ty. Ngoài các hoạt động duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, khi triển khai nâng cấp tài sản từ nguồn kinh phí hoạt động của công ty, công ty phải đề xuất UBND TP.Hải Phòng xem xét, quyết định, đồng thời báo cáo Sở VH-TT Hải Phòng”.

Hải Phòng sẽ đá tiếp sân nhà Lạch Tray vào ngày 30.1,nếu không chấn chỉnh cơ sở vật chất còn yếu kém sẽ bị tuýt còi

Minh Hoàng

Năm 2019, Công ty cổ phần thể thao Hải Phòng được cấp 40 tỉ đồng hoạt động (năm 2021 dự kiến là 50 tỉ đồng). Trong đó có phần dành cho hoạt động duy tu, sửa chữa công trình (có sân Lạch Tray). Ông Lê Xuân Hải, Giám đốc điều hành CLB, nói: Năm nào cũng thay thế lại ghế ngồi (thực tế hiện trạng hỏng, vỡ nhiều), thay thế biển bảng hỏng. Đầu năm 2020 thay gần 500 ghế. Diễn tập PCCC, tập huấn PCCC. Về hạng mục lớn, Sở VH-TT có tờ trình gửi UBND TP.Hải Phòng nâng cấp, sửa chữa mặt cỏ, đường pitch, đèn chiếu sáng, PCCC theo chuẩn mới và các phòng chức năng. Dự trù kinh phí khoảng 23 tỉ đồng. Từ nay cho đến trước trận HP gặp Hà Nội FC thuộc vòng 3 V-League 2021 vào ngày 30.1, cơ quan chức năng của TP sẽ tiếp tục kiểm tra và làm việc với công ty về cơ sở vật chất sân Lạch Tray. Đại diện công ty cho biết dự kiến đến hết ngày 28.1 sẽ hoàn tất công tác khắc phục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.