Đặt mục tiêu rõ ràng, biết đâu tuyển Việt Nam sẽ gây nên 'địa chấn'?

Huỳnh Sang
Huỳnh Sang
02/07/2021 12:04 GMT+7

Cho rằng, tuyển Việt Nam sẽ cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ để giành tấm vé chính thức có mặt tại World Cup 2022 Qatar có lẽ quá ảo tưởng. Nhưng kết quả bốc thăm vòng loại thứ 3 khu vực Châu Á ít nhiều giúp chúng ta có thêm niềm tin, hy vọng sẽ tạo ra 'một cơn địa chấn' nào đó tại cuộc chơi lớn lần này.

 
Còn nhớ ngay sau khi có kết quả bốc thăm bảng G, vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực Châu Á, ít người dám tin tuyển Việt Nam sẽ " book" được vé ở vòng loại thứ 3 này vì cùng bảng có 'ông lớn' UAE và 'ông kẹ' Đông Nam Á, Thái Lan ngán đường. Khi ấy, thứ thực tế nhất mà chúng ta kỳ vọng là tấm vé chính thức dự Vòng chung kết Asian Cup 2023.
Bất chấp hoài nghi dư luận, HLV Park Hang - seo cùng các "trò cưng" đã kiên trì tích lũy từng điểm số, " đánh chắc, tiến chắc" và cuối cùng đạt được đạt thành quả kép: ghi tên mình vào danh sách 12 đội mạnh nhất Châu Á cạnh tranh 4,5 suất đi Qatar vào năm sau, đồng thời chính thức góp mặt tại vòng chung kết Asian Cup 2023.
Bóng đá Việt Nam sau nhiều thăng trầm đã tạo cho chúng ta sự tự ti, mặc cảm mỗi khi bước ra sân chơi lớn như vòng loại World Cup hay Asian Cup. Nhưng HLV Park Hang - seo xuất hiện, ông đã làm thay đổi điều đó!
Với tư duy của người đến từ nền bóng đá lớn Châu Á, ông Park luôn mang trong mình "dòng máu chinh phục". Vốn là người kiên trì, khoa học, kỷ luật, ông đã truyền cảm hứng cho các học trò về tinh thần khát khao chiến thắng, không sợ hãi trước mọi đối thủ. Điều đó đã được chứng minh qua hàng loạt cột mốc mới mà ông và " những chiến binh Sao Vàng" đã thiết lập cho bóng đá Việt Nam tại Vòng chung kết U.23 Châu Á Thường Châu, ASIAD 2018, ASIAN Cup 2019 và Vòng loại World Cup 2022 khu vực Châu Á như bây giờ.
Bấy nhiêu đã quá đủ để chứng minh cho tầm vóc của một tên tuổi lớn như ông. Nó rất khác với suy nghĩ tự ti, chưa đá đã thua của những người làm bóng đá Việt Nam suốt thời gian dài. Bởi chúng ta thường chấp nhận "thân phận nhỏ bé" trước các cuộc chơi lớn nên luôn xem thất bại là chuyện đương nhiên và ít khi tự vấn bản thân về những thất bại ấy!
Nhưng bóng đá vốn là trò chơi tập thể luôn chứa đựng những điều bất ngờ. Không phải lúc nào nó cũng là phép cộng của "quân đông tướng mạnh, lắm của nhiều tiền". Bóng đá luôn mang lý lẽ riêng và vì vậy đã có những câu 'chuyện cổ tích' không ngờ tới khiến nó trở thành môn thể thao 'Vua'.
Vậy tại sao lần này chúng ta không dám mơ và đặt mục tiêu rõ ràng cho tấm vé play-off hướng đến World Cup 2022 Qatar? Bởi đây chính là lúc, bóng đá Việt Nam có khoảng cách gần nhất với cơ hội tham dự một vòng chung kết World Cup mà không biết lúc nào nó được tái lập thêm lần nữa?

Công Phượng trong trận gặp Nhật Bản tại Asian Cup 2019

 

Nên nhớ, dù tuyển Việt Nam có đặt mục tiêu cụ thể hay không thì các đối thủ cũng sẽ chơi với chúng ta một cách không khoan nhượng cho mục tiêu của chính họ. Thành ra, mạnh dạn đề ra một mục tiêu rõ ràng cũng là cách để các cầu tuyển thủ Việt Nam hun đúc thêm động lực và một tinh thần mạnh mẽ nhất để đối đầu với những thử thách lớn phía trước.
Có ý kiến cho rằng, không nên tạo áp lực cho các cầu thủ vì ở cuộc chiến lần này rất khác. Các đối thủ đều trên Việt Nam về đẳng cấp, vượt trội về trải nghiệm đỉnh cao. Thế nhưng thi đấu mà không có áp lực, đích đến không rõ ràng thì động lực nhất định sẽ bị triệt tiêu. Điều đó chẳng khác nào tạo ra thứ tâm lý chơi sao cũng được, " nai lưng chịu đòn" và kết quả như thế nào thì chúng ta không khó đoán định.
Ở bảng B này không loại trừ các đối thủ chỉ xem tuyển Việt Nam là "ngân hàng điểm", bất chấp những đánh giá mang tính xả giao về năng lực của chúng ta sau khi có kết quả bốc thăm.
Thế nhưng đánh giá đó có thể sẽ là 'lợi thế' để chúng ta vượt lên trên sự tự ái bản thân. Từ đó tuyển Việt Nam sẽ tìm ra cơ hội dù là nhỏ nhất để kỳ vọng làm nên điều khác biệt cho chính mình ở cuộc chơi đỉnh cao này.
Thực tế, nhìn các đối thủ, không phải tuyển Việt Nam không có cơ hội.

Quế Ngọc Hải cản phá tiền đạo Nhật bản tại Asian Cup 2019

Độc Lập

Với tuyển Nhật Bản, gần nhất Việt Nam từng chạm trán với họ ở Asian Cup 2019 và chỉ thua vì quả penalty được xác định bởi công nghệ VAR. Giờ đây "Samurai" vẫn là đối thủ đẳng cấp nhưng Việt Nam sẽ vững vàng tâm lý đối đầu với đội bóng mà chúng ta từng chơi sòng phẳng và không sợ hãi.
Tuyển Úc, thì Việt Nam chưa từng gặp ở cấp độ đội tuyển. Việc chạm trán với họ trong bối cảnh vừa " mới mẻ" vừa " mơ hồ" rất có thể khiến đội bóng " Chuột túi" khó chơi hơn?!
Với láng giềng Trung Quốc thì 10 năm rồi hai đội tuyển quốc gia cũng chưa có dịp gặp nhau. Thực tế họ cũng chẳng phải là thử thách quá khó mà chúng ta không thể vượt qua vì họ đang gặp những vấn đề nội tại như khủng hoảng tài năng, sự bất ổn trên băng ghế huấn luyện. Đó là chưa kể một thập kỷ qua, bóng đá Việt Nam thật sự đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng trình độ được nâng cao, đẳng cấp đội tuyển chúng ta đã khác hơn.
Ả Rập Xê Út đã từng đánh bại tuyển Việt Nam 2 lần ở vòng loại World Cup cách đây đã 20 năm. Bây giờ " bỡ ngỡ gặp nhau " mọi thứ cũng đã khác. Quan trọng là " những chiến binh Sao Vàng" không còn dễ bị bắt nạt như xưa.

Quang Hải trong trận gặp U.23 Úc tại Thường Châu (Trung Quốc)

Ngọc Linh

Cuối cùng là tuyển Oman, chúng ta từng thua họ 2 trận ở vòng loại Asian Cup 18 năm về trước. Nhưng giờ đây kỹ năng chơi bóng của cầu thủ Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Bản lĩnh, tâm lý, trải nghiệm trận mạc của chúng ta đã khác xưa. Vì vậy, không có lý do gì chúng ta phải ngán ngại họ.
Thắng thua trong bóng đá thật khó nói trước. Nhưng thực tế chứng minh, đội nào thể hiện khát khao, nỗ lực tận hiến, thái độ nghiêm túc, tinh thần quyết tâm...rất có thể sẽ nhận được thành quả xứng đáng.
Mơ ước và phấn đấu cho mục tiêu rõ ràng nhất với tối thiểu là tấm vé tranh play-off, vì thế chẳng có gì ngăn cản chúng ta không dám làm! Khi đó biết đâu tuyển Việt Nam sẽ gây nên " địa chấn" ở "đại tiệc" đỉnh cao bóng đá Châu Á?
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.