Ai giữ thăng bằng cho HLV Lee Tae-hoon?
HLV Lee Tae-hoon được xem là “Ngài Cân Bằng” vì trong tất cả những bài tập, lời dặn của ông tại HAGL suốt hơn 1 năm qua đều gắn chặt với 2 chữ “cân bằng”, “phòng ngự cân bằng”…
Có thể hiểu được sự ấp ủ của chiến thuật gia người Hàn Quốc tại HAGL. Sau khi rời tuyển Campuchia và về HAGL làm giám đốc kỹ thuật, ông Lee từng làm trợ lý của HLV Park Hang-seo tại tuyển U.22 Việt Nam.
Quãng thời gian đó, nhất là tại vòng loại U.23 châu Á đã ảnh hưởng không nhỏ đến HLV Lee Tae-hoon. Bất chấp ông luôn miệng khẳng định sự độc lập của mình thì cách HAGL xây dựng lối chơi ngày một mang hình hài của ông Park, từ sơ đồ 3-4-3, 3-5-2 đến phong cách chơi xù xì, thực dụng hơn.
|
Phải thừa nhận HAGL dưới tay HLV Lee Tae-hoon đã chơi phòng ngự tốt hơn. Các cầu thủ HAGL vốn quen bay bổng và nghệ sĩ khi cần đã biết và chịu khó áp sát hơn.
Nhưng cũng giống bắt nghệ sĩ vĩ cầm phải đánh... trống, việc ép Hồng Duy, Văn Toàn, Văn Thanh, Tuấn Anh… sớm co cụm phòng ngự đã khiến HAGL suýt phải trả giá đắt, như cuộc đua tỉ số hút chết trước Viettel tại vòng 2 hay bị Nam Định “dần” cho nhừ tử tại Thiên Trường.
Đặc biệt, việc hết bắt Văn Thanh rồi lại Hồng Duy vốn có thiên hướng chơi kỹ thuật và tấn công sáng tạo phải bó vào trong, chơi như tiền vệ lùi sâu với nhiệm vụ duy nhất là “bắt chết Tây” như trung vệ thứ 3 khiến họ bối rối và hệ thống vận hành của HAGL bị ngắt đoạn.
Sức ép lịch sử lên ghế ông Lee
|
Sau trận thua Nam Định 0-2, lãnh đạo và BHL HAGL đã họp khẩn ngay tại cabin kỹ thuật rất lâu. Sau đó để tránh sự chú ý của truyền thông, họ kéo vào trong sân và họp thêm độ nửa tiếng đồng hồ nữa.
Đó là một đêm dài, khi HLV Lee Tae-hoon và các trợ lý Hàn Quốc đều trông “mất hồn”. Ngay trong đêm, HAGL thông báo cho cầu thủ được “xả trại” 3 ngày, nhất là những cầu thủ quê phía Bắc.
Chiếc ghế HLV trưởng của ông Lee Tae-hoon vẫn còn nguyên. Nhưng rõ ràng những cuộc họp khẩn như thế là tín hiệu rất nguy hiểm. Nhất là khi HAGL chuẩn bị bước vào tâm bão tại Hàng Đẫy.
Đã 9 trận liên tiếp rồi, vắt qua 8 năm trời HAGL không biết thắng tại Hàng Đẫy của CLB Hà Nội. Từ 9 lên 10 chỉ là một đơn vị nhưng chuyển từ 1 chữ số sang 2 chữ số là khác biệt rất lớn.
|
Nếu muốn bảo toàn vị trí của mình, HLV Lee Tae-hoon không có cách nào hay hơn là đánh bại Hà Nội trên sân nhà của đối thủ này, để tạo cú hích tinh thần dữ dội cho đội bóng và củng cố niềm tin của lãnh đạo CLB.
Đó là việc rất không dễ dàng.
Kể cả khi Hà Nội không có Duy Mạnh và Đình Trọng thì tuyến giữa và ngoại binh của họ vẫn cực kỳ mạnh. Lịch sử chỉ ra đẳng cấp cao của ngoại binh là chìa khóa chiến thắng quan trọng của Hà Nội, trong khi HAGL nhiều năm “ta phải gánh Tây”.
Làm sao để vẫn bảo đảm hàng phòng ngự, vừa giữ được thứ cảm xúc chơi bóng rất HAGL là bài toán sau hơn 1 năm HLV Lee Tae-hoon vẫn chưa có lời giải, và ông buộc phải sớm có lời giải.
|
Thực tế, xét lý tính nếu có 1 điểm tại Hàng Đẫy cũng là thành công. HAGL có 5 điểm sau 3 trận gặp các ứng viên hàng đầu cho chức vô địch là Than Quảng Ninh, Viettel, Hà Nội. Sau đó trước mắt họ là đại lộ thênh thang để có thể mưu đồ kiếm điểm.
Nhưng bóng đá còn là cảm xúc và danh dự, mặt mũi luôn là yếu tố đặc biệt quan trọng trong những trận đối đầu như “Derby Việt Nam” giữa Hà Nội và HAGL. Bàn thắng của Văn Toàn mùa trước cho thấy chỉ cần một tích tắc cảm xúc bùng phát của những ngôi sao có thể định đoạt cả trận đấu.
Và liệu, ông Lee Tae-hoon sau khi chê mặt sân Thiên Trường, nay đến sân Hàng Đẫy liệu mặt cỏ xịn với dòng chữ "King of V-League" có đủ thổi lên ra cảm xúc để cầu thủ HAGL thăng hoa, trong khi vẫn giữ được sự cân bằng?
Bình luận (0)