Lận đận Trần Đình Trọng !

03/09/2020 09:14 GMT+7

Mới đây Trần Đình Trọng đã phải lên bàn mổ lần thứ 3 và trung vệ xuất sắc của đội tuyển Việt Nam cũng như CLB Hà Nội sẽ phải nghỉ thi đấu đỉnh cao đến hết năm nay.

Chấn thương dai dẳng

Có lẽ sau Tuấn Anh, Đình Trọng là cầu thủ Việt Nam lận đận nhất trong làng bóng đá nội bởi các vấn đề về chấn thương. Cách đây gần một tháng, Đình Trọng được bác sĩ tại TP.HCM phẫu thuật sụn chêm - cũng là dạng chấn thương mà Tuấn Anh đã từng gặp phải năm 2012 rồi đến năm 2016 lại tái phát, khiến năm đó Tuấn Anh không có cơ hội tham dự AFF Cup rồi nhiều giải đấu quan trọng khác trong mấy năm liên tiếp. Một số cầu thủ khác cũng từng bị chấn thương sụn đầu gối như Huỳnh Quang Thanh, Nguyễn Văn Toàn…
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng y học Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, cho hay: “Sụn chêm được xem như một miếng đệm nằm giữa hai khớp đầu gối, góp phần tạo nên sự vững chắc cho khớp gối. Chấn thương rách sụn chêm khá phổ biến trong bóng đá và nếu chỉ ở mức độ nhẹ, sau mổ cầu thủ sẽ mất khoảng 2 - 3 tháng có thể tập nhẹ trở lại, nếu nặng thì cần nhiều thời gian hơn. Khi bị chấn thương này, gối dần sưng lên và cảm giác mất linh hoạt gối, hạn chế trong vận động gối và có tiếng lục cục trong khớp khi vận động, gối không thể gấp duỗi hết tầm, ấn vào khe khớp thấy đau. Năm ngoái, khi Trọng quay lại Singapore để tái khám, theo thông tin từ đội Hà Nội, các bác sĩ Singapore kết luận Trọng có vấn đề về sụn chêm, có dấu hiệu bị đụng dập nhưng không bị vỡ nên không phải mổ vào thời điểm đó. Tôi không biết chính xác lý do tại sao Trọng phải phẫu thuật gần đây nhưng có thể Trọng vẫn bị đau và tràn dịch đầu gối”.
Đầu gối của Trọng đã từng bị tràn dịch trong một số buổi tập của CLB Hà Nội hồi đầu tháng 3 khi đội chuẩn bị cho mùa giải 2020. Trọng không tập chiến thuật, không tập với cường độ cao như các đồng đội khác mà phải tập riêng với khối lượng rất nhẹ. Nhưng đầu gối của Trọng vẫn bị sưng, gây lo lắng cho HLV Chu Đình Nghiêm và dĩ nhiên cho chính bản thân anh. Trước tình trạng sức khỏe của Trọng, ông Nghiêm không để Trọng thi đấu tại V-League và anh thậm chí còn được đưa vào Bệnh viện Quân đội 108 tại Hà Nội để hút dịch đầu gối. Trọng nghỉ các giải trong nước suốt 6 tháng nay. Giải đấu chính thức gần đây nhất của Trọng là vòng chung kết U.23 châu Á 2020 vào tháng 1 năm nay. Trong trận gặp U.23 UAE, Trọng chơi 36 phút và
53 phút ở trận gặp U.23 Jordan. Ở trận cuối cùng vòng bảng, U.23 Việt Nam gặp U.23 CHDCND Triều Tiên, Trọng được HLV Park Hang-seo tung ra sân ngay từ đầu. Anh đã chơi rất nỗ lực nhưng cũng không thể cùng đồng đội giành chiến thắng (bản thân Trọng còn bị thẻ đỏ phút 90+3). Đội U.23 Việt Nam đã không bảo vệ được ngôi á quân - thành tích chói sáng tại giải U.23 châu Á 2018, trong đó có sự đóng góp lớn của cá nhân Trọng.
Lận đận Trần Đình Trọng !1

Đình Trọng và Quang Hải từng phải tập riêng hồi tháng 3 năm nay

ẢNH: VY KHÁNH

Tái phát do trở lại sân cỏ sớm ?

Xin được nói thêm rằng, trước khi giải U.23 châu Á 2020 diễn ra, Trọng chưa hoàn toàn đạt phong độ 100% (anh đã phải vắng mặt tại SEA Games 30 vào cuối năm 2019). HLV Park Hang-seo đã gây bất ngờ lớn khi giữ Trọng ở lại danh sách cuối cùng. Không hiểu có phải vì trở lại sân cỏ sớm hơn chỉ định của bác sĩ hay không mà Trọng lại bị tái phát chấn thương.
Cũng cần nhắc lại biến cố không hay xảy ra với Trọng trong trận đấu gặp HAGL vòng 12 V-League 2019 vào ngày 31.5. Anh bị chấn thương dây chằng trong một tình huống vấp cỏ. Sau đó Trọng không có tên trong danh sách đội tuyển Việt Nam dự King’s Cup, Asian Cup 2019. Trọng sang Singapopre phẫu thuật vào tháng 6.2019 và được khuyến cáo phải dưỡng thương trong 9 tháng (thời điểm Trọng tập luyện và thi đấu ở đội U.23 Việt Nam chuẩn bị cho giải U.23 châu Á thì mới được 6 tháng). Tháng 3.2020, Trọng quay lại Singapore để tái khám và mặc dù dây chằng chéo trước đầu gối có dấu hiệu hồi phục tốt, nhưng theo bác sĩ Singapore, do sớm trở lại tập luyện nên gây viêm sụn chêm ngoài. Việc tiếp tục cố thi đấu dẫn tới giãn dây chằng bên mác giãn nhẹ độ 1, có viêm tại điểm gần với vị trí sụn chêm ngoài. Từ những bệnh lý đó gây ra đau khi trụ dồn lực và xoay gối.
Lận đận Trần Đình Trọng !2

Đình Trọng nỗ lực tập luyện với hy vọng trở lại sân cỏ

ẢNH: VY KHÁNH

3 tháng qua, Trọng điều trị và hồi phục tại PVF nhưng đầu gối vẫn không ổn. Anh muốn sang Singapore để khám lại nhưng do dịch bệnh Covid-19 nên bác sĩ Singapore đã khuyên Trọng nên tiến hành phẫu thuật trong nước. Và lần mổ sụn chêm đầu gối tại một bệnh viện ở TP.HCM cách đây gần một tháng, chính là ca phẫu thuật thứ 3 trong vòng 2 năm mà Trọng phải trải qua. Khi sụn rách, bác sĩ phẫu thuật tiến hành khâu hoặc cắt bỏ đi và tạo hình lại sụn. Nếu không can thiệp kịp thời bằng y khoa, sẽ dẫn đến tràn dịch nặng và thoái hóa khớp, khi đó chấn thương sẽ nghiêm trọng dần thêm theo thời gian.
HLV Chu Đình Nghiêm chia sẻ: “Sau lần mổ này, Trọng sẽ tiếp tục điều trị tại PVF và phải dành toàn bộ thời gian cho việc dưỡng thương, không nôn nóng trở lại thi đấu như trước. Trọng còn rất trẻ, tương lai còn rất dài nên cần giữ gìn cho cậu ấy. Sang năm 2021, Trọng sẽ hết hạn hợp đồng đào tạo trẻ với đội Hà Nội và sẽ được ký hợp đồng mới như một cầu thủ chuyên nghiệp. Vắng Trọng, đội Hà Nội bị ảnh hưởng rất nhiều về chuyên môn nhưng tôi không bao giờ ép Trọng phải đá sớm nếu thể lực chưa đảm bảo. Đôi chân là tài sản vô giá của cầu thủ. Không thể vội vã được”.
Đình Trọng lạc quan
Chiều 2.9, Đình Trọng viết dòng trạng thái trên trang Facebook cá nhân: “Vẫn vui vẻ và mạnh khỏe nhé!”, kèm bức ảnh anh chụp cùng bạn bè. Ngay lập tức thông tin đầy lạc quan ấy đã được hàng chục người chia sẻ và nhận được hàng chục nghìn “like”, “tim”. Trong vài trăm bình luận, có rất nhiều lời động viên, cổ vũ và thậm chí trêu đùa từ các cầu thủ khác. Tất cả đều dành cho Trọng sự yêu thương, tin tưởng là anh sẽ trở lại sân cỏ một cách “hoành tráng”. Đồng đội Đỗ Duy Mạnh chỉ “còm” bằng một lời cực chất: “Thả tim”. Đàn em Đặng Văn Tới dí dỏm: “Chỉ sợ bị khỏe quá thôi anh iu, chứ dăm ba cái này nhằm nhò gì”. Một phóng viên bình luận: “Cố gắng chậm chắc, trở lại mạnh mẽ nhé”... L.P
Ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam cũng đã nắm được sơ qua tình hình của Đình Trọng. Rất có thể “thần y” Choi Yu-young cũng sẽ tham gia hỗ trợ quá trình hồi phục của anh. Thời gian để Trọng có thể tập nhẹ trở lại khoảng 4, 5 tháng sau mổ. Một bác sĩ từng đi theo đội tuyển Việt Nam và U.23 Việt Nam cho biết: “Nếu hồi phục kịp, Trọng có thể sẽ thi đấu được vào tháng 4 năm sau. Và sẽ tốt hơn nếu Trọng chỉ đá dự bị. Trọng sẽ giống Tuấn Anh, khó trở lại 100% thể lực. Nhưng hãy nhìn vào sự kiên trì của Tuấn Anh. Khi được điều trị và dưỡng thương đúng cách, giờ Tuấn Anh quay lại đội tuyển và vẫn chơi quá hay, bởi cậu ấy đá bằng kỹ thuật, bằng “đầu”, bằng ý chí chứ không dựa hoàn toàn vào sức mạnh thể chất. Trọng sẽ đi theo con đường này bởi ở Trọng có những phẩm chất vô cùng tuyệt vời”.
Tuy nhiên một HLV nhiều kinh nghiệm từng tiếp xúc với Đình Trọng tại PVF nhận xét: “Đình Trọng có thể trở lại sân cỏ và cũng có thể sẽ không bao giờ vì chấn thương dạng này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khác với Tuấn Anh chơi ở vị trí tiền vệ có thể hạn chế được va chạm, chủ yếu đá bằng sự thông minh, sáng tạo, không cần tranh chấp quyết liệt, có thể “né” đeo bám liên tục để giữ chân, Trọng đá trung vệ, không chỉ phán đoán giỏi mà còn cần sức mạnh và tì đè, liên tục buộc phải va chạm nên rất khó giữ đôi chân lành lặn. Do vậy nếu nôn nóng trở lại sân cỏ hoặc trở lại sau 6 tháng nữa nhưng trong điều kiện chưa hoàn toàn khỏe mạnh thì chỉ cần một va chạm thôi là cũng sẽ khiến sự nghiệp Đình Trọng khó kéo dài…”. 
T.Ninh - Đ.Khoa
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.