Lê Hoài Thanh: Tinh thần vượt khó của người con miền Tây

Lưu Ngọc Hùng
Lưu Ngọc Hùng
17/04/2020 18:32 GMT+7

Không phải là mẫu cầu thủ được nhiều người nhớ lâu như Tuấn nhím, Sơn già hay Tiếu già Văn Lợi, hậu vệ Lê Hoài Thanh được xem là mẫu cầu thủ cần cù luôn biết vượt khó cùng Cảng Sài Gòn.

Lê Hoài Thanh sinh ra trong 1 gia đình có truyền thống bóng đá, 2 người chú Lê Văn Kéo từng thi đấu cho Tổng tham mưu, Lê Văn Khanh (tự Kịch) cùng thời các cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang, Tư Lê, Dương Văn Thà thi đấu cho Cảng Sài Gòn, đội tuyển miền Nam những năm thập niên 60, 70 của thế kỉ trước. Cậu bé quê Mỹ Tho, Tiền Giang được thừa hưởng sự đam mê, những tố chất trong dòng họ bóng đá. Người đặt nền móng cho anh bước chân vào con đường bóng đá là người cha khi đã có những sự đầu tư cho 2 anh em tham gia tập luyện . 

Anh được người chú ruột là cựu danh thủ Lê Văn Khanh đưa vào đội trẻ của thành phố Mỹ Tho khi mới 15 tuổi, đến năm 17 thì cậu trai sinh năm 1966 được vinh dự khi được đưa lên Cảng Sài Gòn để tập luyện. Trở về quê nhà sau 6 tháng trải nghiệp ở môi trường bóng đá đỉnh cao, anh tham gia cùng đội tuyển Mỹ Tho thi đấu giải hạng B toàn quốc giành suất lên A2 ( tương đương giải hạng nhì và hạng nhất bây giờ).

Năng lực của anh khá tốt nhưng vì ở 1 đội bóng tỉnh lẻ nên Thanh rất ít có cơ hội để thể hiện. Chỉ đến khi cố huấn luyện Phạm Huỳnh Tam Lang biết đến anh và đã chủ động đến nhà anh để gặp, trao đổi cùng người cha để xin anh lên đội Cảng Sài Gòn .

Lê Hoài Thanh

Khả Hòa

Là 1 cậu thanh niên ở vùng quê miền Tây, chân ướt chân ráo bước lên Sài thành hoa lệ, mọi thứ thật mới mẻ, mọi thứ thật choáng ngợp. Vẫn còn có những cái tên lẫy lừng của bóng đá Việt Nam, của đội bóng Cảng Sài Gòn như Võ Hoàng Tân, Đặng Trần Chỉnh, Diệu Thành .... việc có được cái tên trong danh sách đã là điều khó huống chi đến khả năng chen chân vào đội hình.

Lên xuống 3 lần như thế, cuối cùng những khát khao, những cố gắng của anh được đền đáp khi anh được kí hợp đồng chính thức vào những năm cuối 1989 ở cái tuổi 23 . 

10 năm thi đấu cho Cảng Sài Gòn, vóc dáng nhỏ con nhưng chơi cực kì ấn tượng ở hành lang phải trong sơ đồ 5-3-2 của cố huấn luyện viên Tam Lang, hậu vệ Hoài Thanh còn là 1 trong những mắt xích, những con bài tủ trong việc khoá hay giải quyết những cầu thủ chủ lực của đối phương. Có thời điểm người hâm mộ thấy anh đeo như hình với bóng với Hồng Sơn (CLB Quân đội), Trương Văn Dưỡng (Hải quan ) ...với nguồn thể lực vô tận từ đó có cái biệt danh Thanh đỉa ( ý nói đeo như đỉa bám) xuất hiện . 

Hoài Thanh (thứ 3 từ trái) cùng Cảng Sài Gòn vô địch Cúp quốc gia năm 1992

Tư liệu

 

Không phải là cầu thủ thuộc đội tuyển Quốc gia, không phải sở hữu những pha đi bóng lắt léo như Lư Đình Tuấn, những tình huống kết thúc gọn gàng như Hồ Văn Lợi, không phải là xương sống như Võ Hoàng Bửu ... nhưng chính cách đá cần mẫn, trách nhiệm cả trong tập luyện lẫn thi đấu giống tính cách của người miền Tây, anh đã được tín nhiệm đeo băng đội trưởng những năm 1996-2000. Ngoài ra Thanh còn cùng Lư Đình Tuấn được kết nạp Đảng vào năm 1997.Đó là nỗ lực cũng là vinh dự của bản thân anh.

Giải nghệ làm công tác huấn luyện của lứa trẻ với những cầu thủ sau này đã từng thi đấu chuyên nghiệp như A Vĩ ( CSG, Ninh Bình ), Minh Thông ( CSG, HAGL, Gạch Đồng Tâm Long an ), Ngọc Đức (CSG), Minh Trung ( CSG, Bình Dương, Kiên Giang )... sau đó 2 năm anh được cất nhắc lên làm trợ lý cho huấn luyện viên Đặng Trần Chỉnh rồi sau đó anh quyết định rẽ ngang trong sự nghiệp của mình.

Hoài Thanh (ngồi, bìa phải) trong lớp học HLV AFC

NVCC


 

Nuôi gà giống, kinh doanh đủ mọi ngành nghề, cuộc sống khá chật vật với anh cũng như bao gã đàn ông chọn bóng đá là nghiệp của mình. Anh vất vả trong mưu sinh, khó khăn trong thích ứng với xã hội bên ngoài khi tất cả vốn sống của anh thuộc về sân cỏ . 10 năm gần như đoạn tuyệt với bóng đá, không tham gia bóng đá, không quan tâm bóng đá, nhiều người đã gần như quên mất cái tên Lê Hoài Thanh nếu không có vụ tai nạn giao thông cách đây gần 10 năm, bị xe Container đụng phải, gãy xương chậu, bể bàng quang ... những tưởng anh không còn có thể đi trên đôi chân 1 thời tung hoành sân cỏ của mình . Anh em bạn bè đồng đội cũ đã tổ chức những trận đấu kêu gọi, ủng hộ anh trong lúc nguy nan, hơn lúc nào hết anh cám ơn bóng đá đã mang lại cho anh những người bạn trong thời điểm khó khăn nhất.

Hoài Thanh trong trận đấu tôn vinh HLV Tam Lang

Ngọc Hạnh

Hoài Thanh cùng các thế hệ bóng đá Cảng Sài Gòn

Ngọc Hạnh

 

Làm huấn  luyện viên các đội phong trào, mở lớp dạy bóng đá ở khu vực Tân Phú, TP.HCM cuộc sống hiện nay không quá dư dả nhưng ổn định với gia đình cùng vợ và 2 con trai của mình . “Tôi bắt đầu mở trung tâm bóng đá Thanh Vũ được 7, 8 tháng, nhưng không phải tập trung làm cộng đồng mà tôi muốn làm chuyên sâu, muốn dạy cho các học viên biết cách đá, biết cách thi đấu và có khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp”, Thanh chia sẻ. Ở cái tuổi 54 đã từng có những gián đoạn với niềm đam mê của mình nhưng với ý chí cầu tiến, chịu thương chịu khó của người miền Tây, biết đâu sau này anh lại ươm mầm ra những cầu thủ tốt cho tương lai .

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.