Khi nhà vô địch bén duyên với bắp
Một ngày mưa tầm tã giữa mùa dịch Covid-19 tái bùng phát với tâm dịch Đà Nẵng, Lê Văn Công gọi điện kể: “Anh à, em vừa gửi 2.000 trái bắp cho các đồng nghiệp là VĐV thể thao Người khuyết tật tại Đà Nẵng. Đây là bắp “Nữ hoàng đỏ” do em với bạn hùn trồng ở H.Củ Chi (TP.HCM), giờ vào mùa thu hoạch. Bắp có giá trị dinh dưỡng cao nên tôi và bạn ở nonglamfarm.com muốn gửi cho VĐV tại Đà Nẵng như là chút tấm lòng hướng về tâm dịch, mong mọi người sớm vượt qua khó khăn”.
Lê Văn Công cho biết bắp “Nữ hoàng đỏ” đang “hot” trên thị trường với giá bán lẻ tầm 25.000 đồng/trái (gấp 4 - 5 lần giá bắp thường) nhờ giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt có thể ăn sống, bắp dẻo, có vị ngọt và mùi thơm đặc trưng. Nắm bắt nhu cầu thị trường lại được bạn bè rủ rê làm chung, Lê Văn Công nhận lời ngay. Sau tầm 60 ngày gieo hạt chăm sóc kỹ lưỡng trên diện tích 1 ha, Lê Văn Công thu hoạch mùa vụ đầu tiên, ước tính được khoảng 6 - 7 tấn.
“Thú thật, việc trồng, chăm sóc, thu hoạch bắp “Nữ hoàng đỏ” thì trong tầm tay tụi em nhưng đầu ra đang là vấn đề khá nan giải. Phải bán được giá tốt, có kênh tiêu thụ ổn định tụi em mới mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng được”, Lê Văn Công chia sẻ.
|
Nhiều lần “mai mối” bất động sản thành công
Hùn với bạn trồng bắp “Nữ hoàng đỏ” nhưng những ngày này Lê Văn Công vẫn đang trong chế độ tập trung cùng tuyển cử tạ Người khuyết tật Việt Nam đóng ở Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM (Q.Thủ Đức). Anh chỉ tranh thủ được 2 ngày nghỉ cuối tuần để giải quyết những việc cần kíp của nghề tay trái, còn lại Lê Văn Công “điều binh khiển tướng” qua điện thoại.
Đôi chân teo tóp từ nhỏ, đi lại khó khăn nhưng Lê Văn Công rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Hồi rời quê nhà Hà Tĩnh vào TP.HCM lập nghiệp hơn 10 năm trước, chàng trai sinh năm 1984 học nghề về âm thanh - ánh sáng. Có thời điểm vừa tập luyện, thi đấu, Công vừa mở đến 2 tiệm chuyên sản xuất, thiết kế âm thanh - ánh sáng rất đắt khách.
Thời gian quá eo hẹp nên hiện Công chỉ còn hùn với bạn làm 1 tiệm âm thanh - ánh sáng ở Q.12. Tiệm có tất thảy 14 thợ, mùa dịch này còn phân nửa nhân viên. Mỗi khi rảnh rỗi, Lê Văn Công cũng đến xắn tay thiết kế, sửa chữa amply, loa cho khách.
|
Một năm nay, bạn bè còn thấy Công rao bán nhà đất trên mạng xã hội. Hỏi nhà vô địch Paralympic về chuyện lấn sân qua lĩnh vực bất động sản, anh kể một lần đến chỗ làm của bạn chơi, thấy bạn làm bất động sản ổn nên học hỏi làm theo. “Tôi chủ yếu giới thiệu cho khách rồi nhận hoa hồng chứ không có vốn để đầu tư nhà đất”, Công thổ lộ. Nắm bắt đúng nhu cầu người mua, kẻ bán, Công tỏ ra mát tay ở lĩnh vực này và nhiều lần “mai mối” thành công.
Năm ngoái khi không ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, những nghề tay trái mang lại cho Lê Văn Công khoản thu nhập khấm khá gấp nhiều lần so với thu nhập từ thể thao. Tuy nhiên, Công vẫn tập trung số 1 cho cử tạ - môn thể thao đã thay đổi cuộc đời anh, đưa anh từ vô danh lên số 1 Paralympic lẫn thế giới.
Lê Văn Công còn để lại ấn tượng ở những hành xử đẹp, đầy tình người trong cuộc sống. Ngoài việc gửi bắp hỗ trợ VĐV ở Đà Nẵng chống dịch, cuối năm ngoái, Công từng bán đấu giá HCV thế giới mà mình đoạt được năm 2016 với giá 125 triệu đồng và trao toàn bộ số tiền này giúp cô nữ sinh bị ung thư gan gần nhà chữa trị bệnh.
Lê Văn Công sinh ngày 20.6.1984 tại Hà Tĩnh, từ nhỏ không may bị teo chân nhưng luôn nỗ lực vượt lên hoàn cảnh. Năm 2005, anh bén duyên với môn thể thao cử tạ đến nay. Cuối năm 2009 đến đầu 2013, anh nghỉ thi đấu do bị tai nạn giao thông làm rách dây chằng vai. Không bỏ cuộc, đô cử này trở lại mạnh mẽ với tấm HCV cùng kỷ lục tại giải Đông Nam Á và giải châu Á ở hạng cân 49 kg. Tại Paralympic Rio (Brazil) 2016, Lê Văn Công xuất sắc đoạt HCV hạng cân 49 kg với thành tích 183 kg, phá kỷ lục thế giới (182 kg) lẫn Paralympic (177 kg). Đây cũng là HCV đầu tiên của thể thao Người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic từ trước đến nay.
|
Bình luận (0)