Phạt 'đánh úp': VFF 'rảnh không có gì làm', hay nhất bên trọng nhất bên khinh?

21/08/2020 16:45 GMT+7

Bóng đá Việt Nam muốn lên chuyên nghiệp trước tiên Ban kỷ luật VFF cần phải chuyên nghiệp hơn, thay vì để các CLB chỉ trích “thiếu chuyên nghiệp” với kiểu “đánh úp” nhất bên trọng, nhất bên khinh.

TP.HCM khẳng định sẽ kháng án phạt trợ lý ngôn ngữ Yang Jaemo vì cảm thấy vô lý về một tình huống đã trôi đi 1 tháng trước, không được tổ trọng tài, giám sát ghi lại trong biên bản nhưng đùng một cái VFF ra án khi V-League sắp trở lại.
Câu hỏi được ông Nguyễn Hữu Thắng bức xúc đặt ra là tại sao tổ trọng tài dẫn đầu bởi trọng tài chính Trần Văn Trọng cùng 2 trợ lý Cao Thanh Tú - Lê Xuân Hùng và trọng tài thứ 4 Nguyễn Ngọc Châu bị xử phạt rất nhanh trong khi người của TP.HCM gần 1 tháng sau mới bị tuyên án.
Nếu nói về hành vi “nhằm mục đích công kích, kích động” là đúng theo án phạt của VFF thì có vẻ Ban kỷ luật đã để tâm đến TP.HCM mà sót rất nhiều lỗi nặng hơn tại V-League 2020. 

Trợ lý Yang Jaemo (thứ 3 từ trái sang) trong trận TP.HCM - Hà Nội

Khả Hòa

Rõ nhất là trường hợp chủ tịch CLB Quảng Nam Nguyễn Húp xông vào phòng trọng tài để thóa mạ, quy kết đội chủ sân Tam Kỳ thua Bình Dương 1-2 ở vòng 5 (ngày 17.6) là do trọng tài.
"Sau khi tự tiện xông vào phòng riêng của tổ trọng tài, ông Húp đã tuôn ra những lời lẽ thóa mạ, quy kết việc Quảng Nam bại trận là do sai sót của trọng tài.
Phải hơn 20 phút sau, trước sự ngăn chặn quyết liệt của hai giám sát, ông Húp mới chịu rời khỏi phòng. Trước lúc rời đi, ông này còn chỉ đạo cho lực lượng cảnh sát bảo vệ ra về, trong bối cảnh đông đảo khán giả đang bao vây bên ngoài.
Lợi dụng cơ hội ấy, khán giả quá khích ném vỡ kính phòng trọng tài, xông vào la hét, chửi bới, nhục mạ trọng tài", giám sát trận đấu Nguyễn Trọng Lợi tố cáo. 

VFF đã ngó lơ không xử phạt chủ tịch CLB Quảng Nam Nguyễn Húp?

Định Tuấn

Quá sợ hãi, giám sát Nguyễn Trọng Lợi đã phải gọi điện cầu cứu, để cùng tổ trọng tài được hộ tống rời sân về khách sạn. Họ sau đó vội vã rời Quảng Nam ngay trong đêm để tránh điều bất trắc xảy ra.
Sau trận đấu tại Tam Kỳ, giám sát Nguyễn Trọng Lợi khẳng định: “Tôi đã gọi điện thoại báo cáo toàn bộ vụ việc, viết báo cáo gửi ban điều hành V.League 2020 ngay trong đêm".
Về sau, chính ông Húp cũng thừa nhận có vào phòng trọng tài để “nói chuyện” vì quá bức xúc. Ông cũng xác nhận việc để CĐV ném đá làm vỡ kính phòng trọng tài.
Nhưng đến giờ, sau hơn 2 tháng trời VFF và Ban kỷ luật vẫn làm ngơ như chưa có gì xảy ra bất chấp đã nhận được báo cáo chi tiết của giám sát trận đấu cũng như ghi nhận của đông đảo truyền thông, kể cả thừa nhận của ông Húp.

V-League 2020 quá nóng vì những sai lầm hệ thống của trọng tài

Khả Hòa

Hay trận Bình Dương - Hà Nội trên sân Gò Đậu ở vòng 6 V-League cầu thủ 2 bên xô xát với nhau. Quang Hải, Thành Lương chỉ mặt nhân viên khiêng cáng nhưng được trọng tài và giám sát bỏ qua nên không bị phạt.
Hành động của Yang Jaemo không được tổ trọng tài và giám sát báo lại bị phạt, cầu thủ Hà Nội không được giám sát ghi lại không bị phạt nhưng nhưng tại sao ông Húp bị giám sát báo cáo lại không ai đụng đến?
Xét một cách nghiêm khắc, những hành động công kích, kích động hoặc lăng mạ trên sân cỏ cần được ngăn chặn và xử phạt nghiêm để răn đe, lấy lại hình ảnh đẹp đẽ cho sân cỏ vốn là bộ mặt của V-League.
Nhưng muốn thế, Ban kỷ luật và lãnh đạo VFF cần phải có sự công minh nhìn theo vụ việc chứ không nhìn… mặt, không thể để diễn ra tình trạng nhất bên trọng, nhất bên khinh.
Hay kiểu ủ án rồi bất ngờ đánh úp.

Nam Định nhiều lần phản ứng Trưởng ban trọng tài VFF Dương Văn Hiền

Minh Tú - Khả Hòa

Chính điều đó tạo ra những phản ứng từ các CLB khi cảm thấy bị chăm chăm nhìn vào, trong khi một số đội bóng khác được ưu ái có thể mặc nhiên làm bậy mà không ai đoái hoài.
Làm sao các CLB có thể phục với những án phạt bất ngờ như treo giò tiền đạo chủ lực Victor Mansaray của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh dù 2 đội cùng giám sát đã hoàn tất họp kỹ thuật, lên danh sách đăng ký.
HLV Phạm Minh Đức sau đó bức xúc cho rằng Ban kỷ luật VFF đã “đánh úp” Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và "ứng xử không giống bóng đá chuyên nghiệp". Nhiều khi bức xúc của các đội bóng không phải là mức độ án phạt, mà là thái độ làm việc của Ban kỷ luật VFF.
Về nguyên tắc, Ban kỷ luật VFF phải là bộ mặt của VFF nhằm tạo ra sự công bằng, nghiêm minh cho bóng đá Việt Nam. Thêm nữa, VFF cần có quy định rõ ràng thời gian bao lâu để ra án, tránh kiểu "ủ án đánh úp" mà một số CLB đang than phiền.
Trong cuộc chơi chuyên nghiệp, trước tiên VFF và Ban kỷ luật VFF phải thực sự chuyên nghiệp để làm gương, nếu không ai dám bảo đảm sẽ không tái diễn cảnh CĐV Hải Phòng gây sốt với băng rôn Vietnam Funny Football?!
Gần đây, trước bức xúc của các CLB V-League về công tác điều hành giải, trong đó nổi bật nhất là công tác giám sát, trọng tài VFF ra quy định cấm các đội được chê công tác điều hành giải cũng như hoạt động của VFF. Nhưng nói như Chủ tịch CLB Quảng Nam Nguyễn Húp thì: “Trọng tài bắt sai thì chúng tôi phải có quyền phản biện, phải được lên tiếng chứ không thể im lặng chấp nhận được”. Kết quả là VFF im lặng!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.