Không tính những trận bắt buộc phải thi đấu không khán giả do ảnh hưởng của Covid-19, trong bối cảnh dịch bệnh đã và đang được kiểm soát tốt trên toàn quốc, nhiều địa phương đã đồng ý cho Ban tổ chức các sân được bán vé với số lượng lớn để tạo động lực thi đấu cho đội nhà.
Tuy nhiên, Hà Nội là địa phương vẫn tỏ ra rất thận trọng, không cho phép Ban tổ chức trận đấu của CLB Viettel cũng như Hà Nội FC được đón số lượng lớn khán giả khi hai đội được đấu trên sân nhà Hàng Đẫy.
Ví dụ ở vòng 5 V-League 2021, gặp HAGL, CLB Viettel xin phép Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội được đón 5.000 khán giả (sân Hàng Đẫy có sức chứa gần 20.000 chỗ ngồi) nhưng trong văn bản hồi đáp, Hà Nội chỉ cho phép đón tối đa 3.000 khán giả.
|
|
Ở những trận đấu khác khi Viettel đá trên sân nhà cũng chỉ cho đón 2.000 đến 2.500 khán giả. Đó cũng là số lượng khán giả mà đội Hà Nội FC được mở cửa đón vào sân Hàng Đẫy.
Theo số liệu thống kê do Ban điều hành giải cung cấp, sau 10 vòng, số lượng khán giả đạt 450.200 người. Trong đó, đông nhất là sân Thiên Trường, sân nhà của Nam Định FC đang giữ kỷ lục với 20.000 khán giả/trận; sân Quy Nhơn, sân nhà của đội Bình Định: 15.000 người; sân Pleiku: 10.000 người. Sân Vinh cũng đạt khoảng 3.000 khán giả, sân Bình Dương đạt khoảng 4.000 khán giả.
|
|
|
Một thành viên của Ban tổ chức sân Hàng Đẫy cho hay, sắp tới đây V-League sẽ càng trở nên hấp dẫn và kịch tính nên sân Hàng Đẫy mong muốn các cấp có thẩm quyền của Hà Nội “nới lỏng” việc khống chế số lượng khán giả vào sân.
Hiện tại, Hà Nội cũng đã cho phép các tụ điểm như quán bar, vũ trường, massage hoạt động bình thường. Vậy nên, TP.Hà Nội cũng không cần khống chế số lượng khán giả đến sân một cách ngặt nghèo như vậy, nhất là trong bối cảnh Ban tổ chức sân luôn cam kết sẽ thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh.
Hãy để Viettel và Hà Nội FC được ra sân mà khán đài sân Hàng Đẫy không chỉ có “một nhúm” khán giả, vì nhu cầu thực tế của người xem là rất cao.
Bình luận (0)