Sáng 25.3.2020, chúng tôi gọi điện cho Quốc Vượng nhưng đầu dây bên kia không bắt máy, Khoảng nửa tiếng sau, Vượng gọi lại kèm lời ‘trình bày’: “Tôi xin lỗi vì vừa đi tập với đội về. Giờ cuộc sống của mình lại sang một bước ngoặt mới. Gọi là mới nhưng thực ra được quay về với bóng đá. Hạnh phúc vô cùng”.
Vượng kể tiếp: “Tôi dự định 1-2 năm nữa mới nghĩ đến chuyện làm HLV của một đội trẻ nào đó. Nhưng trước Tết Nguyên đán 2020, HLV đội Hải Phòng Phạm Anh Tuấn đề nghị tôi trở lại. Anh em tôi biết nhau cũng lâu, hiểu nhau nhiều điều. Anh Tuấn nói rằng khả năng của tôi có thể giúp phát triển đội bóng tại V-League. Tại sao món quà tuyệt vời ấy lại đến với tôi đúng thời điểm thế. Tôi đã học xong khóa đào tạo HLV bằng C của Liên đoàn Bóng đá châu Á. Và năm nay sẽ cố gắng đi học thêm bằng B. Kiến thức có đầy đặn mới làm thầy giỏi được”.
|
Năm năm trước, sau khi trải qua bao bão giông của cuộc đời, Vượng đã đồng ý trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên. Những gì anh vấp váp, những gì anh trải qua, những gì anh chịu đựng, được kể lại với tất cả sự chân thành và không giấu diếm. Trong đó, chúng tôi nhớ nhất một trạng thái cảm xúc: “Cú ngã ở SEA Games 23 năm 2005 là một ký ức đau buồn. Nhưng mình làm thì mình phải chịu, chứ không thích đổ cho số phận. Cuộc đời tôi vào một bước ngoặt quá lớn và thời điểm đó đã khiến tôi hình thành nhiều suy nghĩ rất tiêu cực mãi sau này mới thay đổi được.
Có giai đoạn, tôi cảm thấy hụt hẫng và cô đơn cùng cực vì không ai tin tưởng mình cả. Chỉ cần một bàn tay ai đó chìa ra và nói, về với đội anh đi, về với đội chú đi. Nhưng tuyệt nhiên không. Không ai cho tôi một cơ hội cả. Ai cũng từ chối. Rất đau khổ. Nhưng lạ cực kỳ là những lúc ấy lại vẫn không hề thấy bi quan, mà vẫn le lói một niềm tin nào đó”.
|
Dù chỉ là le lói nhưng niềm tin ấy đã giúp Vượng có động lực để làm lại từ đầu: “Khi không còn cơ hội đá bóng, tôi đã đi tìm việc mà báo chí có viết là đi bốc vác. Nhưng chẳng có gì phải xấu hổ cả nếu đó là những nghề lương thiện. Tôi không bị sĩ diện nên không làm theo lời khuyên lúc đó là: Làm nghề đó làm gì, ăn khoai ăn sắn trong bếp thì có ai biết đâu mà chê!
Tôi tự hào vì mình là người biết trên biết dưới, không lừa thầy phản bạn. Tôi chưa bao giờ bị sụp đổ niềm tin. Có lẽ vậy mà cuộc đời lại mang đến cho tôi một cơ hội khác không phải bóng đá. cho tôi một công việc tốt”.
Công việc ấy đơn thuần là kinh doanh chứ không dính líu tí nào đến bóng đá cả. Vượng đi làm điều phối marketing, tìm hiểu thị trường, phụ trách bán hàng cho một hãng rượu tại Hải Phòng. Lương khá ổn nhưng nhiều lúc Vượng vẫn tự hỏi: Bóng đá hay marketing, cái nào mới là duyên phận dành cho mình.
|
Vượng đã chia tay công ty rượu được một thời gian và lại mở một quán ăn hải sản. Nhưng đang trong thời kỳ dịch giã, việc buôn bán ảnh hưởng nặng nề. Quán tạm đóng cửa. Song Vượng chẳng có đủ thời gian để buồn. Vì lúc này anh dành tâm trí của mình cho bóng đá với cương vị trợ lý cho HLV trưởng đội Hải Phòng. Bóng đá chuyên nghiệp đã dang tay đón Quốc Vượng, trao anh một cơ hội thực sự
Vượng bảo: “Khi còn nhỏ đam mê lớn nhất của tôi là được làm cầu thủ. Và khi được làm cầu thủ, khát khao lớn nhất của tôi là sau này trở thành HLV. Nhưng có nhiều thời điểm, vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo, vì vợ, vì con mà tôi phải gác lại nỗi khát khao ấy. Giờ về đội Hải Phòng, có thể thu nhập không cao bằng lúc còn kinh doanh nhưng được sống trọn vẹn với đam mê thì không có gì hạnh phúc bằng. Có mệt nhưng tôi thích cái mệt mà bóng đá đem lại. Cũng chẳng lạ phải không!”.
Anh nói thêm: “Không dễ gì để có thể nghĩ rằng mình sẽ quay lại với bóng đá. Tôi đã nghỉ bóng đá lâu rồi. Thời gian đầu, bằng kinh nghiệm từng trải qua ở bóng đá đỉnh cao, được tiếp xúc với HLV ngoại và cọ xát với đội lớn từ ngày xưa, tôi cố gắng vận dụng điều ấy để vượt qua khó khăn ban đầu. Dẫu sao, có một thuận lợi là tôi từng làm công ty tại Hải Phòng được 5-6 năm. Đó có lẽ cũng là cái duyên. Tôi hiểu tính cách của con người Hải Phòng. Họ rõ ràng, dứt khoát, không lòng vòng!”.
Hiện diện trên sân tập với tư cách một người thầy, Quốc Vượng xông xáo, mạnh mẽ. Nhưng có một sự thay đổi trong con người anh. Không còn là Quốc Vượng bộc trực, nóng nảy như cách đây 15 năm. Phong ba bão táp đã khiến anh sương gió hơn nhiều. “Mình có tuổi rồi, điềm đạm hơn rồi, nên biết làm gì và không làm gì”, câu nói đơn giản ấy thôi nhưng cũng phải trải qua biết bao những đau đớn, Quốc Vượng mới có thể chiêm nghiệm được như vậy.
Bình luận (0)